Kho gỗ kháo Dũng cất giấu trong nhà dân tại xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc |
Trong vai khách tìm mua gỗ quý, PV Báo Giao thông được giới thiệu đến gặp “trùm” Dũng “viễn thông” ở huyện Bảo Lạc. “Trùm” Dũng khẳng định, muốn mua bao nhiêu, chủng loại gỗ gì cũng có và gỗ lậu được “bảo lãnh” an toàn.
Vào rừng mua gỗ
Qua thông tin của V., chúng tôi về thôn Nà Đoỏng (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc) tìm gặp Nông Văn Thông, một đầu nậu gỗ. Dẫn chúng tôi xuống dưới sàn nhà, Thông chỉ vào ba tấm gỗ gù hương lớn (rộng khoảng 60 cm, dài khoảng 90 cm), cho hay: “Mấy tấm này có người đặt mua rồi, hàng chưa bán anh để trong rừng”.
Đến thôn Cà Rằm, chúng tôi vượt qua nương ngô xanh rì, sau đó vượt tiếp khoảng 1 km đường rừng với những vách núi đá tai mèo sắc nhọn để vào được nơi có gốc cây gù hương mà Thông giới thiệu. Dọc đường đi, chúng tôi phát hiện khá nhiều gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ, cả cũ lẫn mới. Thông khoe, trước kia anh là một đầu nậu bán gỗ lớn ở Xuân Trường, nhưng cuối năm 2014, trong một lần “đánh quả lớn” đưa gỗ qua huyện Thông Nông để bán sang Trung Quốc, thì bị lực lượng kiểm lâm bắt toàn bộ lô hàng. “Bây giờ không có vốn nữa nên ai muốn mua thì phải đặt cọc tiền trước tôi mới gom được hàng”, Thông nói.
Gần một tiếng đồng hồ trong rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi có gốc cây gù hương khổng lồ với đường kính lên tới gần 2 m đã bị chặt hạ từ rất lâu. Phần gốc cây nhô ra những mảng bừu lớn trông không khác gì một tảng đá, nhưng khi Thông vừa dùng dao chặt vào, phần bên trong hiện ra đỏ tươi, toát ra mùi thơm ngào ngạt.
Thông phát giá: “Trọn gói gốc này với giá 10 triệu. Các chú tự vào xẻ và mang đi. Còn nếu ngại xẻ thì trả thêm tiền tôi sẽ lo việc đó”.
Giáp mặt “trùm” gỗ lậu
Ra khỏi rừng, Thông mới thú nhận, anh ta chỉ đơn thuần là một “kênh” cung cấp gỗ cho một “trùm” đích thực, tên là Tô Chí Dũng, SN 1983, trú tại tổ dân phố số 7, thị trấn Bảo Lạc. Từ số điện thoại Thông cung cấp, chúng tôi liên lạc được với Dũng và có một cái hẹn tại một quán ăn trưa ở thị trấn Bảo Lạc.
"Gỗ kháo đường kính 30x6x2,2 cm giá 6 triệu đồng/thanh; loại 20x6x2,2 cm là 4 triệu đồng/thanh. Các loại gỗ kháo dạng bừu bán đổ đồng 4 nghìn đồng/kg với điều kiện trọng lượng khúc bừu kháo ít nhất phải 10kg/khúc”. “Trùm” gỗ Tô Trí Dũng ra giá |
Dũng giới thiệu hiện đang làm cán bộ kĩ thuật tại Đài TT-TH huyện Bảo Lạc và buôn gỗ chỉ là nghề “tay trái”. Dũng khẳng định, có thể cung cấp các loại gỗ quý như: Thông đỏ, nghiến, kháo, gù hương… với số lượng lớn và sẵn sàng “bao” luôn cả việc “làm luật” để xe gỗ an toàn đi ra khỏi địa bàn huyện. “Năm ngoái tôi chuyển cho khách ở TP Cao Bằng hai chuyến gỗ, mỗi chuyến hết 30 triệu đồng tiền làm luật. Số tiền này chia đều cho 5 cửa là 5 lực lượng khác nhau”, Dũng bật mí.
Theo lời Dũng, nếu vận chuyển gỗ về xuôi thì có một con đường khác là đi từ Bảo Lạc ra huyện Nguyên Bình, đến đoạn nhà nghỉ Phia Boóc rẽ phải sang thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) rồi cứ thế đi thẳng về xuôi, không cần qua TP Cao Bằng. Ngoài ra còn một con đường khác là qua huyện Bảo Lâm rồi rẽ sang huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) và đi tiếp. Trường hợp muốn đưa gỗ sang biên giới bán cho các đầu nậu ở Trung Quốc, xe gỗ bắt buộc phải đi theo các con đường mòn đến các cửa khẩu nhỏ.
Quảng bá xong món “luật lá”, Dũng đưa chúng tôi đến nhà một người quen tại xóm Thua Tổng, xã Xuân Trường, cách trung tâm huyện Bảo Lạc chừng 20 km để xem hàng. Dưới sàn nhà này có khoảng hơn 50 tấm gỗ kháo lớn được xẻ vuông vức, có tấm dày đến cả gang tay xếp chồng lên nhau. Tổng trọng lượng lô gỗ này khoảng gần 2 tấn. Cách đó không xa, một kho gỗ kháo, thông đỏ được Dũng cất giấu trong nhà một người dân. Tổng số kho gỗ này khoảng hơn một tấn.
Chúng tôi ngỏ ý muốn mua thêm các loại gỗ khác như: Nghiến, thông đỏ, gù hương…, Dũng nhận lời ngay và hứa sẽ đi gom khi nào đủ hàng thì sẽ liên hệ lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận