Xã hội

Tháng 7 rưng rưng ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào

26/07/2021, 20:17

Ngày hay đêm, mưa hay nắng, cán bộ nhân viên Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào vẫn miệt mài chăm chút cho từng ngôi mộ...

Sáng ngày 26/7/2021, PV Báo Giao thông có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào, ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây chính là nơi yên nghỉ của 11.000 người con ưu tú của đất Việt từng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên nước bạn Lào.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách thăm, viếng năm nay giảm đi nhiều so với trước.

Để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, UBND huyện Anh Sơn đã phối hợp với Ban quản lý nghĩa trang bố trí người phun khử khuẩn tất cả mọi phương tiện đi vào. Người dân, du khách khi về đây thăm viếng cũng phải thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt.

img

Gần 11.000 hài cốt các anh hùng liệt sỹ hi sinh trên đất nước bạn Lào đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt- Lào

Còn đó nỗi khắc khoải

Khu nghĩa trang rộng mênh mông nhưng từ ngoài vào trong, từ lối đi cho đến từng phần mộ được quét dọn sạch sẽ. Tất cả các mộ đều được bày biện hương, hoa…, tạo nên không khí vừa trang nghiêm, vừa ấm cúng.

Vừa hướng dẫn PV, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào vừa giới thiệu, nghĩa trang có diện tích 6,8ha, được xây dựng từ năm 1976, nằm giữa trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn.

Bên cạnh tượng đài, nhà tưởng niệm, khu mộ, nghĩa trang còn được bố trí nhiều công trình phụ trợ như: Các bức phù điêu khắc hoạ hình ảnh đoàn kết gắn bó đấu tranh giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào; hai nhà văn bia với hai thứ tiếng Việt - Lào ghi lại cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của hai nước anh em…

img

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào thắp hương cho từng ngôi mộ

Từ khi xây dựng đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các anh hùng liệt sỹ hi sinh vì nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn Lào về an nghỉ.

Nói đến đây, giọng ông Ngọc chùng xuống rồi như nghẹn lại: "Trong tổng số gần 11.000 ngôi mộ tại nghĩa trang thì chỉ mới có khoảng 4.000 ngôi mộ có tên, tuổi và địa chỉ, còn lại là chưa đầy đủ thông tin. Họ là bộ đội, chuyên gia đến từ 47 tỉnh, thành trong cả nước đã chiến đấu và hi sinh ở các tỉnh thành của nước bạn Lào như Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, đặc khu Xay Xọc Bun...

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng, tuổi xuân của các anh, các chị khi làm nhiệm vụ quốc tế. Về được với đất mẹ, nhưng thông tin không đầy đủ để người thân, gia đình được biết để đến thăm nom, chăm sóc.

7.000 liệt sĩ chưa đầy đủ thông tin cũng đồng nghĩa với 7.000 gia đình đang mong ngóng, chờ đợi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn đang hiện hữu và không gì có thể khỏa lấp được”.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng và các gia đình thực hiện xét nghiệm ADN của tất cả các liệt sĩ. Nhưng đến nay, chỉ mới có thêm khoảng 300 liệt sĩ tìm được thân nhân.img

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào luôn sạch sẽ và ấm cúng hương hoa

Canh cho các anh, chị giấc ngủ ngon

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Anh Sơn đầy nắng gió, năm 1999, tốt nghiệp ngành du lịch, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (44 tuổi) xin vào làm việc tại Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào.

Công việc hằng ngày của chị và anh em trong ban quản trang là làm lễ, thực hiện các nghi thức; hướng dẫn thân nhân liệt sĩ, các đoàn du khách, người dân thăm viếng, thắp hương các phần mộ; quét dọn, làm cỏ, cắt tỉa cây cảnh, làm sạch đẹp khuôn viên nghĩa trang và chăm lo mộ phần các liệt sĩ...

“Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và có cái tâm. Với chúng tôi, đây không chỉ là công việc, mà còn là trách nhiệm của thế hệ trẻ với các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc”, chị Hiền chia sẻ.

Cũng theo chị Hiền, bình thường là thế nhưng nhiều lúc công việc của quản trang không hề có giờ giấc cụ thể nào. Một đoàn hay một thân nhân liệt sĩ ở xa đến viếng khi trời đã tối, cán bộ, nhân viên quản trang phải có mặt để tiếp đón và thực hiện nghi lễ cho khách.

"Canh cho các anh, các chị giấc ngủ ngon luôn là tâm nguyện của chúng tôi", chị Hiền chia sẻ.

img

Với chị Hiền và và các nhân viên quản trang, chăm sóc các phần mộ không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm của thế hệ trẻ với các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì Tổ quốc

Chị Hiền kể, có dạo rộ lên phong trào nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ, rất nhiều người đã liều lĩnh về đây để đào trộm mộ. Vì thế, cán bộ, nhân viên ban quản trang phải dựng lán ở ngay đài liệt sỹ, trắng đêm thay nhau túc trực, đi tuần.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm: "Đó là chuyện ngày xưa, nay thì không ai dám nữa. Do diện tích rộng, để phần mộ của tất cả các liệt sĩ luôn sạch sẽ, ấm cúng, đơn vị thường xuyên phối hợp với doanh trại quân đội đóng trên địa bàn, Hội cựu chiến binh huyện, Đoàn thanh niên... làm vệ sinh, dọn dẹp".

Nói về hoạt động đền ơn đáp nghĩa trê nđịa bàn, ông Hoàng Quyền, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: "Bên cạnh việc chăm sóc, thăm hỏi các gia đình chính sách, UBND huyện còn tổ chức, phối hợp tổ chức các buổi lễ tại Nghĩa trang vào những ngày đặc biệt để giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.