Đoàn du lịch Caravan... dừng xe để làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Ảnh chụp tháng 10/2019
Dừng “một cửa, một lần dừng” hay nhân rộng?
Mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” (SWI/SSI) tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Densavanh (Lào) được thực hiện theo Biên bản ghi nhớ (MOU) ký kết năm 2005 giữa Việt Nam vào Lào, trên cơ sở triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (Hiệp định GMS-CBTA).
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện “một cửa, một lần dừng” và hơn 5 năm thí điểm thực hiện đầy đủ 4 bước, SWI/SSI mới chủ yếu rút ngắn thời gian thông quan đối với người và phương tiện vận tải hành khách, còn việc kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa vẫn bất cập, chồng chéo.
Việc dừng, đỗ phương tiện chở hàng hóa tại khu vực cửa khẩu chỉ “một lần” và kiểm tra theo thủ tục “một cửa”, nhưng một số lô hàng và phương tiện sau khi sang khu vực kiểm tra chung của phía Việt Nam làm thủ tục, các lực lượng chức năng của phía Lào còn yêu cầu kiểm tra riêng, thậm chí yêu cầu đưa phương tiện và hàng hóa quay trở lại Lào để giải quyết.
Mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tạo điều kiện thuận lợi đối với người và phương tiện vận tải hành khách, còn đối với phương tiện vận tải hàng hóa là "một cửa... nhiều lần dừng"
“Một cửa, một lần dừng” nhưng thực tế với phương tiện vận tải hàng hóa là “một cửa, nhiều lần dừng” vì bên nào cũng kiểm tra được”, một lái xe cho hay.
Bất cập này vô hình trung trở thành “nút thắt” khiến lái xe, doanh nghiệp tìm đường qua cửa khác. Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, việc triển khai mô hình SWI/SSI chưa đạt được kỳ vọng ban đầu của Việt Nam và Lào cũng như các nước đã ký kết Hiệp định GMS-CBTA. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc liên quan đến khía cạnh pháp lý.
Thực tế, lực lượng chức năng của 2 bên tại cửa khẩu chỉ mới thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chung theo hình thức “ghép cơ học” nơi làm việc, mỗi bên vẫn thực thi nhiệm vụ theo quy định của nội luật nước mình, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục của mô hình SWI/SSI.
Bên cạnh đó, nội dung MOU 2005 và các thỏa thuận giữa các Bộ, ngành năm 2014 không còn phù hợp với thực tế tình hình triển khai tại cửa khẩu, khi Hải quan Việt Nam thực hiện thủ tục hải quan điện tử... Chưa có quy định cho phép một số nhân viên của cơ quan quản lý cửa khẩu của mỗi bên làm việc tại nước nhập.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19, các lực lượng giữa 2 bên lúng túng trong công tác phối hợp, các cam kết trong thực hiện SWI/SSI cơ bản không thực hiện được, các lực lượng chức năng cửa khẩu Densavanh không trực tiếp sang làm việc tại cửa khẩu Lao Bảo, các công ty dịch vụ tại cửa khẩu Lao Bảo không được qua lại phía cửa khẩu Lào... dẫn đến hoạt động giao thương qua cửa khẩu gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Một khu đậu xe container gần cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Từ những bất cập trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho tạm dừng thực hiện SWI/SSI tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavanh trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19; đồng thời cần sớm tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện mô hình để quyết định dừng thực hiện mô hình, chỉ áp dụng một phần của mô hình, hoặc nhân rộng mô hình trên tất cả các cửa khẩu hoặc theo từng tuyến biên giới để đảm bảo sự thống nhất, công bằng...
Tháo gỡ nút thắt, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Viện chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển Khu đô thị kinh tế - thương mại- dịch vụ- logistics xuyên biên giới Lao Bảo - Densavanh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, trong đó giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới này.
Đây là khu vực được 2 bên dành những chính sách ưu đãi đặc biệt liên quan đến tài chính, thuế, đầu tư, thương mại, hải quan, chính sách công nghiệp phụ trợ…
Đây cũng là bước tiến nhằm phát triển các hành lang kinh tế, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối tiểu vùng với các thị trường lớn, là một phần quan trọng trong Chương trình Hợp tác Kinh tế của Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) mà Việt Nam tích cực tham gia.
QL9 và một tuyến đường trung tâm thị trấn Lao Bảo lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, việc xây dựng Đề án phát triển Khu đô thị kinh tế - thương mại - dịch vụ - logistics xuyên biên giới Lao Bảo - Densavanh sẽ giúp đánh giá tổng quan các yếu tố, điều kiện phát triển và tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng sẵn có, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Lào và các nước trong khu vực nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet và các địa phương trên tuyến EWEC nói riêng.
Với lợi thế là điểm đầu nằm trên tuyến EWEC về phía Việt Nam qua Đường 9 -tuyến đường vận tải xuyên biên giới được đánh giá thuận lợi nhất Châu Á nói chung và khu vực ASEAN nói riêng, Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, là điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách.
Tuy nhiên đến nay, tình hình thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách thay đổi, đặc biệt là từ khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực thi hành. Khu kinh tế - thương mại đặc biệt này đã mất dần các lợi thế, không còn những cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai và một số chính sách khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận