Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Trong đó có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức. Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm là 15.800 người, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế.
Năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022.
Còn tại TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022 ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, mức cao nhất trong 7 năm gần đây.
Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Ảnh minh hoạ
Những con số trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành nội vụ. Thời gian qua, công chức, viên chức tiếp tục thôi việc, nhưng chưa có con số thống kê gần đây.
Quả thực, những con số thống kê trên rất đáng để suy ngẫm. Từ khi nào mà họ lại từ bỏ công việc vốn là niềm mơ ước của rất nhiều người như thế?
Phải chăng vì môi trường ngày càng áp lực, nhiều trách nhiệm nhưng lương thì không đủ sống nên họ không thể nào gắn bó và cống hiến?
Tôi có nhiều người quen là công chức, đa số họ đều than phiền về mức thu nhập hiện nay. Có người làm 14 năm nhưng mức lương chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng một chút. Có người không mặn mà nên đã ra ngoài làm, nhưng cũng có người đã có tuổi, muốn chuyển việc cũng khó nên đành chịu áp lực và tiếp tục công việc.
Một số bạn trẻ, sau thời gian đầu háo hức, cũng đã nhanh chóng rời bỏ vị trí trong cơ quan nhà nước bởi mức lương mà họ nhận được không đủ để trang trải cuộc sống ở thành phố. Trong đó, một người cháu của tôi từ chỗ là giảng viên một trường đại học lớn, đã chuyển sang làm cho một tập đoàn giáo dục của nước ngoài và kiếm được số tiền lớn gấp 10 lần ở nơi làm cũ.
Ở một góc độ nào đó, chuyện có vào có ra là bình thường đối với bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Thậm chí việc người này rời đi sẽ là cơ hội cho những người khác. Nhưng thực tế, liệu những người mới được tuyển vào có năng lực, trình độ để đáp ứng công việc hay không? Những người ở lại liệu có phải là những người chỉ biết sáng cắp ô đi, tối cắp về?
Rất khó để có câu trả lời chính xác. Nhưng có một sự thật là thu nhập, đãi ngộ hiện nay trong khu vực công không thể nào hấp dẫn bằng khu vực tư. Chưa kể môi trường làm việc còn rất nhiều những bó buộc mà đôi khi, người lao động khó có thể phát huy được hết sự sáng tạo cũng như năng lực của mình.
Nếu như ở một doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, một cử nhân có thể được trả lương rất cao nếu như họ đáp ứng được yêu cầu công việc, thì ở khu vực công, họ buộc phải tuân theo quy định.
Cử nhân mới ra trường hệ số lương 2,34, kỹ sư là 2,67. Cứ 3 năm làm việc tốt thì được duyệt tăng thêm 0,33 và không tăng 3 lần liên tiếp… Như vậy sau khoảng 10 năm cống hiến và không vi phạm kỷ luật gì thì hệ số lương rơi vào tầm 3,33. Lấy hệ số lương nhân với lương cơ bản và trừ đi thuế sẽ ra được lương thực nhận.
Như vậy, rất khó để thu hút những người có trình độ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Và xu hướng số lượng công chức bỏ ra ngoài làm ngày càng tăng lên dường như không thể tránh khỏi.
Thực tế trên đòi hỏi chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức cần sớm được hoàn thiện. Mục đích làm sao là để công chức phải sống được bằng lương. Không thể đòi hỏi họ chuyên tâm, tận hiến khi mức thu nhập chưa đủ để nuôi bản thân, chứ đừng nói gì đến việc chăm lo cho gia đình, con cái.
Việc xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, chuyên nghiệp, hiện đại cũng rất quan trọng. Bởi chỉ khi được làm việc trong môi trường như vậy, cán bộ công chức mới có thể thực sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
TS Phạm Quang Long (Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính VN)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận