Thời gian gián đoạn không quá 3 tháng
Theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/ND-CP, thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Lưu ý với một số trường hợp sau vẫn được tính là tham gia BHYT liên tục:
- Người tham gia BHYT được cơ quan cử đi công tác, học tập và làm việc ở nước ngoài hoặc thực hiện theo chế độ phu nhân, phu quân, con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố/mẹ công tác nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài vẫn tính đóng BHYT.
- Người đi lao động ở nước ngoài về nước và tham gia BHYT trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh thì thời gian đóng BHYT trước khi đi vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT.
- Người lao động đang trong thời gian làm thủ tục chờ chế độ trợ cấp thất nghiệp mà có tham gia BHYT trước đó thì thời gian đó vẫn được tính là đã tham gia BHYT.
- Lực lượng quân đội, công an nhân dân khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong quân đội, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.
Quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục là gì?
Điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:
Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (từ 01/7/2019 là 8,94 triệu đồng), trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến thì được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Để được hưởng quyền lợi này, theo điểm d khoản 1 Điều 9 Quyết định 1399/QĐ-BHXH, người tham gia BHYT phải đi khám, chữa bệnh đúng tuyến và lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận