Nam Phi tưởng niệm các nạn nhân TNGT |
Hàng triệu người thiệt mạng vì thờ ơ
Chủ đề “Hành động quan trọng hậu TNGT: Chăm sóc Y tế; Điều tra, Công lý” liên quan tới lời kêu gọi trong Kế hoạch Toàn cầu của Thập kỷ Hành động vì ATGT Đường bộ 2011-2020 bao gồm những cải thiện cần thiết để phản ứng hậu TNGT.
Theo Báo cáo an toàn đường bộ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, mỗi năm khoảng 1,25 triệu người chết vì TNGT đường bộ. Cũng theo WHO, cứ mỗi phút, có 2 người thiệt mạng vì tai nạn đường bộ. Ngoài ra, theo Sách trắng “Đầu tư vào An toàn đường bộ: Đòi hỏi của toàn cầu đối với lĩnh vực tư nhân” do Hội đồng chuyên gia Chung tay vì An toàn đường bộ (TSR) thực hiện cho biết: 92% số người thiệt mạng vì tai nạn đường bộ đến từ các nước thu nhập thấp hoặc trung bình.
TSR nhấn mạnh, tại các nước đang phát triển, việc thiếu chăm sóc y tế và phương tiện vận tải khẩn cấp là nguyên nhân đẩy số lượng người thiệt mạng và tàn tật cao hơn so với các nước thu nhập cao. Báo cáo ước tính, sẽ cứu được 2 triệu mạng sống/năm nếu số người bị thương (trên tất cả các lĩnh vực, không riêng tai nạn đường bộ) giảm tại các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới xuống mức tương đương các nước thu nhập cao.
Anh Piyush Tewari, một nhà hoạt động tích cực để khắc phục hậu quả TNGT tại Ấn Độ, người sáng lập Tổ chức SaveLife |
Tử vong vì sự thờ ơ của cộng đồng
Anh Piyush Tewari, một nhà hoạt động tích cực để cải thiện hành động hậu TNGT tại Ấn Độ, người sáng lập Tổ chức SaveLife, người hiểu rõ nhất nỗi đau mất người thân vì không có hỗ trợ y tế sau khi gặp TNGT. 9 năm trước, một thảm họa TNGT đau lòng ập đến với Shivam, 16 tuổi, em trai của Tewari. Tai nạn xảy ra khi Shivam từ trường về nhà tại Thủ đô Delhi. Cậu bé bị chiếc xe jeep phóng bạt mạng đâm thẳng vào người và bỏ trốn. Bị thương nặng, Shivam gắng lết vào lề đường, cầu xin sự giúp đỡ. Song, “trong 30 phút, hàng trăm người bước qua Shivam, không ai giúp đỡ. Shivam đã mất máu đến chết trước mắt người dân bên đường”, theo New Yor Times.
Bức xúc trước nỗi đau em trai chết oan, anh Piyush Tewari, từ bỏ vị trí Giám đốc Điều hành Chi nhánh Ấn Độ của công ty có trụ sở tại Los Angeles, tìm hiểu ngọn ngành nguyên nhân dẫn đến cái chết của em trai. Sau đó, vị cựu Giám đốc điều hành đi khắp Ấn Độ gặp gỡ những người có hoàn cảnh tương tự và thành lập Tổ chức SaveLife vì nạn nhân TNGT. Tổ chức Save Life nghiên cứu và ước tính, tổng số người thiệt mạng vì TNGT đường bộ tại Ấn Độ đang ở mức báo động. Từ năm 2006-2015, 1,2 triệu người Ấn Độ thiệt mạng vì TNGT đường bộ; 6-7 triệu người bị thương hoặc tàn tật trong đó rất nhiều người bị thương ở đầu và cột sống. Đặc biệt, phần lớn người thiệt mạng thuộc độ tuổi từ 15-49. Chính phủ ước tính có thể ngăn chặn được 1 nửa số người thiệt mạng nếu các nạn nhân được hỗ trợ y tế kịp thời.
Cải thiện pháp lý để phát huy lòng tốt
Câu chuyện này dẫn tới một thực tế tại Ấn Độ khi phần lớn người dân sợ giúp đỡ các nạn nhân gặp TNGT vì lo ngại rắc rối về pháp lý. Anh Tewari và Save Life thực hiện cuộc khảo sát toàn quốc và ghi nhận kết quả: 3/4 người được hỏi khẳng định, họ gần như không hỗ trợ nạn nhân TNGT bị thương nghiêm trọng. Trong đó, 88% người được hỏi cho biết, họ ngại bị cảnh sát thẩm vấn, trách nhiệm liên đới, phải xuất hiện tại tòa làm nhân chứng; 77% người được hỏi cho rằng, các bệnh viện thường tạm giữ người đưa nạn nhân tới bệnh viện và từ chối chữa trị nếu không trả tiền. Phần lớn người được hỏi đều đồng ý, Ấn Độ cần phải cải thiện “môi trường pháp lý” cho những người giúp nạn nhân TNGT.
Nhận thức rõ vấn nạn này, 6 năm trước, SaveLife khởi động chiến dịch hỗ trợ những người có tấm lòng bác ái giúp đỡ nạn nhân TNGT. Tổ chức này tạo dựng quan hệ với giới chức Chính phủ, thu thập tài liệu liên quan, nghiên cứu luật pháp quy định về vấn đề này tại các nước khác trong đó có Mỹ. Trong 2 năm đầu, nỗ lực vận động không xoay chuyển được quan điểm của Chính phủ và SaveLife đệ đơn kiến nghị trực tiếp lên Tòa án Tối cao. Năm 2014, họ thuyết phục được Tòa án Tối cao ra quyết định yêu chính phủ phải soạn thảo hướng dẫn luật dành riêng cho những người giúp đỡ nạn nhân TNGT. Song, đến tháng 5/2015, chưa có dự thảo được thông qua thành luật và SaveLife tiếp tục hối thúc Tòa án.
Cuối cùng, tới tháng 3 năm nay, Tòa án Tối cao phán quyết yêu cầu chính quyền Ấn Độ phải tuân thủ hướng dẫn bảo vệ những người có tấm lòng bác ái, giúp đỡ các nạn nhân TNGT. Theo đó, họ sẽ không phải tiết lộ thông tin cá nhân hay bị cảnh sát thẩm vấn; không bị giữ tại bệnh viện vì bất cứ lý do gì; Đồng thời, được bảo vệ khỏi trách nhiệm hình sự và dân sự. Song, để quy định này đi vào đời sống, Ấn Độ có thể mất thêm 2-3 năm nữa. “Đây là đất nước khổng lồ với 1,2 tỉ người. Chúng tôi phải mất 2-3 năm để mọi người dân hiểu rõ điều luật này”, ông G. K. Pillai, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ, hiện là người được ủy thác của Tổ chức SaveLife cho biết.
Để hưởng ứng ngày Tưởng niệm các nạn nhân TNGT 20/11, các thành phố và quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện rất nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa, điển hình: Hoạt động thắp nến tưởng niệm, trưng bày tranh ảnh, chiếu video về các vụ TNGT đường bộ thảm khốc để răn đe và nâng cao nhận thức tại TP Vijayawada, Ấn Độ, được tổ chức ngày 20/11. Hoạt động thắp nến tưởng niệm tại Washington, Mỹ vào ngày 20/11. Australia tổ chức hoạt động tưởng niệm vào chiều 20/11, tại đây, ba nạn nhân phục hồi sau chấn thương vì TNGT xuất hiện làm khách mời, chia sẻ những khó khăn sau khi gặp TNGT. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận