Bầu trời có “mở” cho các hãng hàng không mới và cách nào các hãng hàng không đang khai thác có thể trụ vững trên thị trường để hàng không Việt thực sự “cất cánh” là những câu hỏi đang được đặt ra ngay từ bây giờ.
Thị trường 96 triệu dân còn rộng cửa bay
6 năm sau khi Vietjet “cất cánh”, đầu năm 2019, Việt Nam mới có thêm Bamboo Airways có chuyến bay thương mại đầu tiên. Tuy nhiên, ngay sau hãng hàng không của Tập đoàn FLC chính thức bay, đang có ít nhất 2 cái tên xếp hàng để gia nhập thị trường hàng không Việt Nam là Vietravel Airlines và gần đây nhất là Vinpearl Air. Cùng đó, có thể tính đến Công ty CP Hàng không Thiên Minh do ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group đăng ký thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không cũng được cho là đang “nhòm ngó” thị trường vận tải hàng không này.
Ủng hộ việc có thêm hãng hàng không mới, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho rằng: Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Bamboo Airways. Con số này còn khá khiêm tốn nếu so với Thái Lan (17 hãng), Indonesia (18 hãng), Malaysia (10 hãng) hay Philippines (11 hãng).
Cũng theo ông Thắng, thị trường vận chuyển hàng không của Việt Nam mới khoảng 70 triệu khách trong khi dân số là 96 triệu. Điều này đồng nghĩa với việc 1 hành khách 1 năm chưa đi được một chuyến bay. So sánh với Mỹ, trung bình 1 người đi hơn 3 lần/năm.
Chia sẻ thêm, ông Thắng cho hay, giai đoạn 2014 - 2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá. Năm 2018, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 70 triệu khách (tăng 12,6% so năm 2017) và 1,2 triệu tấn hàng hóa (tăng 7,2% so năm 2017). Đây là tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực ASEAN nếu so sánh với Thái Lan (11%), Malaysia (6,2%) hay Singapore (4%). Theo đánh giá và dự báo của Hiệp hội Các hãng hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam là một trong 5 thị trường có sự phát triển tốt nhất thế giới cho đến năm 2035.
“So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Hàn Quốc với quy mô thị trường 100 triệu khách năm 2017, có thể thấy thị trường mới đạt 70 triệu khách của ta vẫn còn khoảng cách cũng như dư địa để phát triển”, ông Thắng nói.
“Chợ càng đông, càng vui!”
Giữa tháng 6/2019, Công ty Lữ hành Vietravel đã trình hồ sơ thành lập Hãng hàng không Lữ hành du lịch Việt Nam (Vietravel Airlines) với số vốn được công bố là 1.000 tỷ đồng. Hãng bay này sẽ hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê nguyên chuyến) để giúp Vietravel tăng lượng khách du lịch mà không tốn nhiều chi phí đầu tư hàng không. Hiện, Vietravel đã gửi Sở GTVT Thừa Thiên - Huế đề án thành lập Công ty Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự kiến hãng hàng không của Vietravel sẽ đặt trụ sở căn cứ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
CTCP Hàng không Vinpearl Air - pháp nhân mà Vingroup thành lập đã gửi hồ sơ đến Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị thực hiện dự án vận tải hàng không. Được biết, Vinpearl Air đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chính là vận tải hành khách hàng không. Ngay sau khi thành lập công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hành khách hàng không, Vingroup cũng tuyên bố mở trường đào tạo phi công và thợ máy tại Việt Nam.
CTCP Hàng không Thiên Minh với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, đăng ký một số lĩnh vực kinh doanh trong đó có vận tải hàng hóa hàng không và cho thuê máy bay.
Nói về việc tham gia thị trường của các hãng hàng không mới, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, hãng này không ngại cạnh tranh. “Chợ càng đông, càng vui”, ông Thành khẳng định.
Theo ông Thành, cạnh tranh cũng là động lực để Vietnam Airlines tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, trình độ quản lý để phục vụ tốt hơn khách hàng. Vietnam Airlines sẽ phối hợp với các hãng hàng không trong Group (Jetstar, Vasco) để duy trì thị phần nội địa.
“Để thực hiện được mục tiêu này, VNA Group sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thay thế đội bay ATR bằng đội tàu bay phản lực khu vực để nâng cao hiệu quả khai thác, triển khai phối hợp chặt chẽ thương hiệu kép, trong đó Jetstar Pacific được định hướng là hãng tham gia chính vào phân khúc giá rẻ, là công cụ cạnh tranh ở phân thị giá thấp khi thị trường đang vào giai đoạn bùng nổ của hàng không giá rẻ”, ông Thành nói.
Cùng đó, theo ông Thành, Vietnam Airlines sẽ tăng cường chất lượng dịch vụ hướng tới 5 sao, không ngừng nâng cấp và đổi mới; giữ chỉ số đúng giờ ở mức cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn song song với việc đa dạng sản phẩm, tăng cường hợp tác tạo chuỗi sản phẩm đa dạng như vé máy bay - khách sạn, vé máy bay - voucher.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC sở hữu Hãng hàng không Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cũng tỏ ra không hề nao núng khi cho rằng: “Mười mấy năm qua, FLC đã chống chọi với một thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, FLC vẫn luôn trụ vững. Vậy nên giờ chỉ phải cạnh tranh với vài hãng hàng không thì không ăn thua gì”.
Cũng theo ông Quyết, thị trường còn rất nhiều tiềm năng. “Tôi sợ nhất là độc quyền. Có thêm hãng mới, càng thêm cạnh tranh càng vui. Ai làm tốt khách sẽ chọn. Hai quán phở cạnh nhau, một quán đông một quán vắng là bình thường”, ông Quyết ví von.
Về lâu dài, lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định, hãng đã và sẽ tập trung vào thị trường ngách, kết nối và phát triển kinh tế vùng, tự tạo thêm nhu cầu khi lấp vào khu vực mà hàng không truyền thống chưa để mắt, trám vào phân khúc mà hàng không giá rẻ chưa quan tâm.
Với Vietjet, hãng hàng không đang khai thác hơn 400 chuyến bay/ ngày với 129 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế cho biết giai đoạn 3 năm tiếp theo, Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet cho rằng, dư địa cho ngành Hàng không nói chung và Vietjet nói riêng còn rất nhiều. Trong 10 - 20 năm nữa nhu cầu đi lại rất cao. Đó là thị trường nội địa. Còn về thị trường quốc tế, gần như không có giới hạn, thể hiện qua nhu cầu du lịch khắp thế giới. Việc Vietjet cần làm là phải kiểm soát chặt chẽ chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Xem xét mọi vấn đề trước khi cấp phép
Trao đổi với Báo Giao thông về việc khi có thêm hãng hàng không, hạ tầng hiện tại liệu có đáp ứng được, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT sẽ là cơ quan tiếp theo cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trên cơ sở đề xuất, thẩm định của Cục Hàng không VN.
“Không nên đặt vấn đề là hạ tầng có đáp ứng được không nếu có thêm hãng hàng không mới mà phải hiểu rằng hãng hàng không đó chỉ được cấp phép khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vốn, phương án tàu bay, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh cũng như chiến lược sản phẩm. Và đương nhiên, các vấn đề khác như đậu tàu bay qua đêm ở đâu, hạ tầng hàng không có đáp ứng được không, có vượt quá năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách hay không, có phù hợp với định hướng phát triển hệ thống cảng hàng không, mạng đường bay theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay không cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Trong giai đoạn hiện tại, khi sân bay Tân Sơn Nhất đang hết sức quá tải thì chúng tôi còn phải xem xét cả việc kế hoạch khai thác của hãng xem có gây áp lực đến sân bay này hay không…”, vị này nói và nhấn mạnh: Tất cả mọi vấn đề đều phải xem xét trước khi cấp phép, chứ không phải cấp phép xong mới lo có đáp ứng được hay không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận