Báo chí, mạng xã hội và cả diễn đàn Quốc hội đang họp đều “tố” thủy điện nhỏ. Liệu thủy điện nhỏ có phải là “thủ phạm” hay bị oan kiểu “Thị Mầu” nhiều năm qua, nay được nhắc lại?
Một thủy điện thôi, nhưng trong “hệ thống chính trị”, trách nhiệm quản lý liên quan đến 3 Bộ: TN&MT, Công thương, Xây dựng và UBND tỉnh nơi có dự án. Đóng vai “thẩm phán” luận tội hay bênh vực thủy điện nhỏ, không ai chính danh hơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, những khu vực xảy ra sạt lở đất kinh hoàng vừa qua, rừng đều phủ xanh. “Không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn”, ông khẳng định luôn.
Để có cơ sở cho nhận định, Bộ trưởng dẫn báo cáo từ Ủy ban Quản lý rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, thế giới đang chịu tác động biến đổi khí hậu với cường độ và tần suất thiên tai xảy ra tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua.
Việt Nam đặc biệt, lại nằm trong vòng bão Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan.
Theo Bộ trưởng, từ năm 2012, Bộ đã triển khai chương trình điều tra tai biến địa chất (tập trung vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên) để cảnh báo được các nguy cơ sụt lún, lở đất.
Ông khái quát, thảm họa thiên tai tại miền Trung vừa qua cho thấy đây là kết quả của tổ hợp các dạng hình thái thiên tai cộng gộp lại. 4 cơn bão đến liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua. Hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn và cực lớn.
Về yếu tố địa chất, Bộ trưởng Bộ TN&MT thông tin, ở những vùng sạt lở vừa qua, như Trạm 67 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), tại Cha Lo, Đoàn 337 (Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà My (Quảng Nam), vùng sạt sở đều ở độ cao 300-900m.
Độ cao này, theo Bộ trưởng, ít liên quan đến vị trí thuỷ điện mà những khu vực này đều nằm trong các đới đứt gãy địa chất. Đứt gãy tạo nên độ phong hóa 9- 16m, tạo ra hình thái đá lẫn cát, sét, sỏi, độ gắn kết kém. Trạm 67, Đoàn 337… đều nằm ở khu vực có độ trượt, dốc lớn. Những khu vực này luôn tiềm ẩn sẵn hình thái đứt gãy, cộng với hiện tượng mưa trên 100mm nên dẫn đến nguy cơ sạt lở, còn khi mưa đến 500mm thì làm tăng thêm trọng lượng, kéo sạt trượt mạnh mẽ.
Bộ trưởng tuyên bố: “Lỗi không phải là thuỷ điện nhỏ. Ở Na Uy, đất nước này có vô số thuỷ điện nhỏ trên khắp lãnh thổ, đã mang lại hiệu quả khai thác tốt. Vậy thì vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan”.
Tóm lại, theo tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì oan cho thủy điện nhỏ giống như oan của “cô Thị Mầu” trong điển tích văn học dân gian.
Đúng là tài nguyên nước, tài nguyên dòng chảy cần được khai thác vì mục đích kinh tế xã hội của đất nước và phục vụ lợi ích dân sinh. Điều các đại biểu không thể lý giải được, cần các vị “tư lệnh ngành” và Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có dự án trả lời là: Trên một lưu vực sông nếu có 3 thuỷ điện thì tác động khác, mà làm tới 7 - 8 thuỷ điện thì tác động thế nào?
Thứ nữa, chúng ta có “cạo trọc” rừng làm thủy điện? Có “nấp” sau thủy điện để khai thác khoáng sản... không? Rừng trồng mới so với rừng nguyên sinh khác nhau rất lớn, ai quản lý quy trình xả lũ của thủy điện nhỏ?
Trong khi bảo vệ thủy điện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng “hé lộ”: muốn biết chính xác “lỗi” của thuỷ điện thì phải lật lại từ khâu quy hoạch, thiết kế...
Tóm lại, ngay cả lời “bào chữa” của Bộ trưởng vẫn chưa đủ các cơ sở khoa học của lập luận. Vì thế, “phiên tòa” luận tội thủy điện nhỏ, có thể xảy ra “tái thẩm” bất cứ lúc nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận