Theo thống kê, từ lần tăng giá tháng 3/2015 (tăng 7,5%), Việt Nam tăng giá điện 23,56%. Riêng từ cuối năm 2017 đến nay giá điện đã tăng 15%.
Như vậy, trung bình mỗi năm giá điện Việt Nam tăng gần 6%, tăng cao hơn tốc độ tăng giá CPI (CPI trung bình mấy năm qua cũng chỉ tăng khoảng 2-4%/năm) và nhanh hơn giá nhiều mặt hàng khác.
Điện là nguồn năng lượng sản xuất, nên tăng giá sẽ trở thành nhân tố tạo hiệu ứng tăng giá lan tỏa. Đáng chú ý, giá điện tăng nhanh nhưng tăng giật cục khi cả năm 2018 không tăng giá, bất ngờ tới đầu tháng 3/2019 lại tăng tới 8,36% mà không có lộ trình, khiến cho nhiều doanh nghiệp “trở tay không kịp”.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành hóa chất bức xúc, ngày 30/11/2017, công ty ông bất ngờ nhận được thông báo tăng giá điện bình quân hơn 6%. Trớ trêu ở chỗ doanh nghiệp vừa chốt xong đơn hàng nên chi phí tăng từ điện không thể đưa vào hợp đồng đã ký, cũng không thể đề nghị đối tác thay đổi báo giá. Và như thế, hiển nhiên công ty chịu lỗ gần 30 tỷ đồng. Kịch bản năm nay tiếp tục lặp lại khi công ty ông vừa nhận được thông báo tăng giá điện. Vừa chán nản với cách điều hành giá điện của EVN, doanh nghiệp vừa “sốc” với mức tăng 8,36%. Khi không có lộ trình tăng giá đầu vào từ điện, doanh nghiệp này không có cơ sở để báo giá với khách hàng trước khi ký hợp đồng. Với lần tăng điện này, doanh nghiệp cũng phải chịu lỗ hơn 110 tỷ đồng.
Chưa nói tới câu chuyện minh bạch chi phí đầu vào, nhiều doanh nghiệp yêu cầu ngành điện phải công bố lộ trình để họ có căn cứ tính toán và đưa vào kế hoạch kinh doanh hàng năm. Thông thường, chiến lược kinh doanh cũng như ký kết hợp đồng thường được các doanh nghiệp thực hiện gối đầu theo quý. Thậm chí, tại nhiều công ty, các hợp đồng lớn của 2019 đều được ký kết từ tháng 10/2018 tới đầu tháng 3/2019. Sản xuất điện trước nay luôn kêu lỗ và không tránh khỏi việc tăng giá nên nếu ngành điện công bố kế hoạch tăng giá chí ít có thể theo năm tài chính như các doanh nghiệp sản xuất khác.
Trong bối cảnh thị trường, một sản phẩm, dịch vụ mà cứ “thích lên là tăng giá” chắc chắn chả mấy mất thị trường. Song, ỷ thế độc quyền, ngành điện hoàn toàn không phải lo lắng cải thiện năng suất để giảm giá cũng như việc tính toán, đưa lộ trình. Lãnh đạo một doanh nghiệp than trời: “Sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới còn yếu kém, hà cớ gì trong nước cứ vô tình gây thêm áp lực cho nhau? Việc tăng đột ngột là áp đặt, cưỡng chế, bắt nạt các doanh nghiệp phải chấp nhận”.
Liên hệ với việc điều hành tỷ giá. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục bị kêu điều hành tỷ giá giật cục, tăng dồn, tăng sốc, tăng bất thình lình. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế tỷ giá trung tâm, đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mức biến động điều hành tỷ giá trong năm đã xóa đi nỗi lo rủi ro chính sách, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Hay nhìn sang giá xăng cũng do chính Bộ Công thương điều tiết chính.
Kể từ ngày chuyển sang cơ chế điều hành giá xăng theo chu kỳ 15 ngày, giá xăng trong nước đã tăng - giảm uyển chuyển hơn, sát với thị trường hơn. Còn với giá điện, đến khi nào ngành điện có thể công bố được tỷ lệ % điều chỉnh và các đợt điều chỉnh trong một năm và dự kiến trong trung hạn? Đến khi nào thì ngành điện cũng buộc phải tính toán cẩn trọng, khoa học cả về thời điểm tăng lẫn mức tăng một cách công bằng, sòng phẳng như các ngành khác?
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận