Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 02 của Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; Khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ GTVT tổ chức sáng nay (29/1), ông Đỗ Đình Phan, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội bày tỏ sự trăn trở về định mức quản lý dự án hiện nay.
Theo ông Phan, với chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư, Thông tư 12/2021 do Bộ Xây dựng ban hành chỉ có định mức đối với dự án từ 30.000 tỷ đồng trở xuống (0,268). Dự án trên 30.000 tỷ đồng chưa có hướng dẫn tính định mức cụ thể.
"Như tại dự án thành phần 3 thuộc dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng.
Nếu áp dụng định mức chi phí như các dự án từ 30.000 tỷ đồng trở xuống, chi phí quản lý dự án được khoảng 70 tỷ đồng.
Chi phí này dự kiến chỉ có thể trang trải trong 2 năm, trong khi thời gian thực hiện dự án có thể dài hơn", ông Phan nói, đồng thời kiến nghị, các dự án giao thông lớn được xây dựng trong nội đô hai thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) thường thực hiện trong bối cảnh vừa thi công, vừa tổ chức giao thông, việc cung ứng vật liệu phải tuân thủ khung giờ giới hạn, chi phí quản lý dự án rất cần được nghiên cứu xây dựng theo hướng đặc thù.
Chung sự quan tâm với đại diện đơn vị quản lý dự án của Hà Nội, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), theo hướng dẫn tại Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng, chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/báo cáo nghiên cứu khả thi ban hành định mức cho các gói thầu có chi phí xây dựng từ 30.000 tỷ đồng trở xuống.
Tuy nhiên, một số gói thầu có quy mô phức tạp, đặc biệt là các dự án đường sắt, đường sắt đô thị có chi phí xây dựng lớn hơn 30.000 tỷ đồng thì chưa có hướng dẫn cách tính.
Đối với chi phí lập thiết kế kỹ thuật/lập thiết kế bản vẽ thi công ban hành định mức cho các gói thầu chi phí xây dựng từ 10.000 tỷ đồng trở xuống và cũng chưa có hướng dẫn cách tính đối với các gói thầu có chi phí xây dựng lớn hơn 10.000 tỷ đồng.
"Tạo thuận lợi cho các nhà thầu tư vấn, Bộ Xây dựng cần có nghiên cứu, hướng dẫn cách tính cụ thể đối với hai trường hợp trên", lãnh đạo TEDI kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận