Căn cứ Không quân Clark, trên đảo Luzon, Philippines từng là một trong những căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ
Philippines từng là đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Nam Á nhưng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines không còn mặn mà với Mỹ, quay sang hợp tác với Trung Quốc để đổi lại tiền xây dựng hạ tầng.
Thỏa thuận hợp tác mới nhất giữa Manila và Bắc Kinh để xây dựng tuyến đường sắt kết nối 2 địa điểm từng đặt hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines là ví dụ rõ nhất.
Dự án hạ tầng đắt nhất giữa Philippines - Trung Quốc
Thỏa thuận xây dựng đường sắt kết nối hai căn cứ quân sự cũ của Mỹ trên đảo Luzon đã được Trung Quốc và Philippines đặt bút ký từ giữa tháng 1 này. Dự án trị giá 940 triệu USD kết nối Khu vực Cảng tự do Vịnh Subic và Sân bay Quốc tế Clark, được giới chức hai nước ca ngợi và đánh giá rất cao về ý nghĩa kết nối vận tải, kinh tế và ngoại giao.
Theo Tân Hoa Xã, “khi hoàn tất, tuyến đường sắt này sẽ kết nối linh hoạt giữa các cảng, đường sắt và sân bay dọc hành lang Subic-Clark, cải thiện hiệu quả logistics, cắt giảm chi phí vận tải, hỗ trợ nhu cầu dịch vụ giao hàng và hoạt động kinh tế trong khu vực”.
Tuyến đường sắt dài 70km là dự án liên chính phủ đắt nhất giữa hai quốc gia và là điểm nhấn trong chương trình “Ba Xây Dựng” nhằm nâng cấp hạ tầng của Tổng thống Rodrigo Duterte kể từ khi nhậm chức. Ước tính thời gian xây dựng dự án lên tới 42 tháng. Hai bên sẽ tiến hành thảo luận về việc vay nợ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Patricio Abinales, chuyên gia Philippines tại Đại học Hawaii, thỏa thuận Clark-Subic chỉ là lời quảng cáo hay chứ không thực tế. “Tôi không nghĩ dự án này sẽ trôi chảy”.
Thực tế, đến thời điểm này, chỉ có khoảng 926 triệu USD được giải ngân trong tổng số 9 tỷ USD mà Trung Quốc hứa sẽ cho Philippines vay hoặc cấp vốn để xây dựng hạ tầng kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống Philippines, theo thông tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP).
Tác động thế nào tới quan hệ với Mỹ?
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch này đó là hai địa điểm đầu - cuối của dự án từng là nơi đặt hai căn cứ quân sự có quy mô lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ và hiện vẫn được sử dụng trong những chuyến viếng thăm của các lực lượng Mỹ tại Philippines, đó là: Căn cứ Hải quân Vịnh Subic và căn cứ Không quân Clark.
Theo Giáo sư về Khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore Ian Chong, vì đây là hai căn cứ cũ nên không có nhiều tác động đến các chuyến thăm của lực lượng Mỹ tới đây nhưng nó sẽ trở thành vấn đề nếu Mỹ muốn mở rộng hiện diện quân sự trong khu vực.
Kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines năm 2016 cùng thời điểm ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, vị lãnh đạo cá tính Duterte muốn xây dựng quan hệ và đầu tư hạ tầng nhiều hơn với Bắc Kinh, hạn chế chỉ trích về những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo báo Star&Stripes thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, các nhà chiến lược quân sự Mỹ luôn theo dõi sát sao những thương vụ đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Bởi, những dự án hợp tác như trên là minh chứng chứng minh chiều hướng quan hệ ngoại giao của Philippines đã chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc.
Song, nhiều chuyên gia kỳ vọng quan hệ Mỹ - Philippines sẽ cải thiện đáng kể dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mới đây, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez đã bày tỏ tự tin về quan hệ giữa Manila và Washington sẽ vận hành suôn sẻ dưới thời ông Biden.
Ông Romualdez đặc biệt nhấn mạnh tới chính sách Biển Đông, đặc biệt là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông năm 2016. “Chính sách Biển Đông đã bị thay đổi dưới thời Tổng thống Trump nhưng chúng tôi tin rằng phán quyết của Tòa trọng tài về chủ quyền của Philippines trên Biển Đông sẽ được quan tâm hơn dưới thời ông Biden”, Đại sứ Philippines nói.
Ông Duterte cũng là một trong những lãnh đạo gửi thư chúc mừng ông Biden cách ngày Tổng thống Mỹ nhậm chức một tuần. Điều này cho thấy, Tổng thống Philippines rất mong đợi có thể tăng cường quan hệ hai nước với tân lãnh đạo Mỹ.
Trong 4 năm ông Trump tại nhiệm, quan hệ Mỹ - Philippines gần như bao trùm bởi băng giá. Ngay đầu năm ngoái, lãnh đạo Philippines đã hủy Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) từng ký năm 1999 với Mỹ nhằm phản đối Washington hủy thị thực của Thượng nghị sỹ Philippines Ronaldo Dela Rosa và từ chối cho ông này nhập cảnh.
Ông Duterte thẳng thừng đưa ra quyết định trên bất chấp VFA là thỏa thuận quân sự có ý nghĩa rất quan trọng với Philippines, ảnh hưởng đến hơn 300 hoạt động huấn luyện và các chương trình hợp tác khác diễn ra giữa lực lượng quân đội hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận