Bệnh nhân đến khám tại Khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba
Mẹ chủ quan, con viêm amidan đầy mủ
Bé Nguyễn Minh A. (SN 2019, trú tại Hai Bà Trưng) được mẹ đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba thăm khám sau gần 4 ngày sốt ở nhà. Thấy con sốt cao liên tục 39 - 40 độ, lại quấy khóc, bỏ ăn nhưng bố mẹ bé A. vẫn đinh ninh con sốt mọc răng.
Tuy nhiên, sang ngày thứ 4 thấy con vẫn sốt cao, bố mẹ bé đành đưa con đi khám. Khi đến khám, bé A. không ho nhưng viêm amidan đầy mủ… cần can thiệp kịp thời. Nếu để muộn hơn trẻ có thể phải đối mặt với khối áp xe amidan.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Thị Ánh Xuân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba cho hay: “Đang là thời điểm giao mùa giữa Đông và Xuân. Nhất là tại miền Bắc, thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ khá chênh lệch giữa ngày và đêm, độ ẩm cao…
Do vậy, các bé dưới 5 tuổi, miễn dịch kém sẽ hay mắc các bệnh về hô hấp và đường tiêu hóa. Đặc biệt, các bệnh hô hấp thường gặp như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa hay nặng hơn là viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, hen…”.
BS. Xuân cho biết thêm, trong bối cảnh lo ngại dịch Covid-19, bố mẹ lại càng trì hoãn việc đưa con đi khám. “Trong những ngày gần đây, các bệnh nhi đến thăm khám đa phần bị viêm đường hô hấp dưới.
Đây có thể là biến chứng viêm đường hô hấp trên, ban đầu là viêm mũi họng, sau đó không chăm sóc tốt ở nhà lại chậm thăm khám nên các con nhập viện trong tình trạng khó thở với triệu chứng viêm phổi hoặc khò khè”, BS. Xuân chia sẻ.
Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cũng cho thấy, khá nhiều trường hợp trẻ đến thăm khám với các biểu hiện đau bụng, nôn và đi ngoài nhiều lần trong ngày gần đây.
“Thời tiết nóng ẩm, đồ ăn mốc, thiu, rau củ quả dễ dập nát… cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh lý về đường tiêu hóa trong thời điểm này”, BS. Xuân khuyến cáo.
Ngoài ra, các bác sĩ cảnh báo, tháng 3 - 4 cũng là thời điểm bùng phát các bệnh lý truyền nhiễm như: Tay chân miệng, thủy đậu, viêm kết mạc mùa xuân, cúm mùa… Đặc biệt, với thời tiết nồm ẩm như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển với tốc độ lây lan nhanh.
Sai lầm của cha mẹ khi con mắc bệnh hô hấp
Đối với các bệnh lý về hô hấp, triệu chứng ban đầu chính là phản xạ bảo vệ trẻ, không phải là yếu tố cần loại bỏ ngay.
“Ví như ho cũng là phản xạ bảo vệ em bé trước các tác nhân gây bệnh hoặc ho giúp bé tống xuất đờm viêm ra ngoài đường hô hấp, nhưng nhiều bố mẹ nghĩ phải dùng thuốc giảm ho, gây ức chế phản xạ ho cho con ngay nhưng khi đờm đặc quánh thậm chí còn gây tắc đường thở khiến bệnh nặng hơn”, BS. Xuân dẫn giải.
Dự liệu số bệnh nhân nhi tới thăm khám sẽ tăng từ 2 - 3 lần sau tuần đầu trẻ đi học trở lại. Nguyên nhân bởi các con đến tường cũng là thay đổi môi trường sinh hoạt, tiếp xúc trực tiếp nhiều bạn hơn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý về hô hấp cao.
Do đó, bố mẹ cần chuẩn bị cho con những kỹ năng cá nhân như đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh răng miệng đều đặn, vệ sinh mũi họng đúng cách nếu con có vấn đề về mũi họng. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cũng cần giàu trái cây, rau xanh, uống đủ nước trong ngày.
BS. Nguyễn Thị Ánh Xuân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba
Cũng theo BS. Xuân, chỉ khi trẻ ho quá nhiều, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mới nên dùng siro ho giúp loãng đờm, dễ ho chứ không phải để trẻ dừng ho.
Vì vậy, thuốc ho được chỉ định rõ ràng cho trẻ nhỏ, đặc biệt thận trọng với trẻ dưới 2 tuổi, bởi phản xạ ho chưa hoàn thiện nên việc dùng thuốc ho bừa bãi là không tốt, thậm chí có bé gây ngừng thở, bít tắc đường thở.
Ngoài ra, từ kinh nghiệm thăm khám, BS. Xuân cảnh báo việc cha mẹ vệ sinh mũi họng không đúng cách cũng có thể khiến bé lúc đầu chỉ viêm mũi đơn giản, sau đó chuyển nặng, xuất hiện dịch xanh, vàng, đặc hơn, sốt rất cao và khi đến bệnh viện đã ra viêm tai giữa.
“Không phải thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ là tốt. Các mẹ chỉ rửa mũi khi các con có triệu chứng như chảy nước mũi nhiều, mũi xanh, mũi vàng, ngạt mũi hoặc trẻ đi chơi ngoài trời cả ngày về thì cần vệ sinh mũi làm sạch bụi bẩn.
Việc vệ sinh mũi quá sạch cũng không tốt, vô hình trung làm mất lớp nhầy tự nhiên với tác dụng bảo vệ làm ẩm và ấm mũi. Với trẻ nhỏ cần lưu ý tư thế rửa mũi tránh để trẻ bị sặc hoặc gây viêm tai giữa.
Chia sẻ quan điểm về việc không ít cha mẹ tự ý cho con dùng thuốc Tamiflu để điều trị cúm, BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho rằng, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng Tamiflu.
Với loại thuốc này, tốt hơn cả là dùng đúng theo chỉ định của các bác sĩ. Trẻ mắc cúm mùa, nếu được chăm sóc tốt tại nhà sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày; khi cần, nên tìm cách hạ sốt cho trẻ bằng thuốc mà bác sĩ chỉ định chứ không nên tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm cá nhân.
“Với một số trẻ mắc cúm, cha mẹ thường cho con uống thuốc kháng sinh mà không biết rằng dùng loại thuốc này trong điều trị cúm là vô tác dụng. Tốt nhất cha mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm phòng vaccine ngừa cúm”, BS. Hải cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận