Quyết định mang tính thời đại
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chia sẻ xúc động khi chủ trương đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính thức được thông qua. Theo ông, đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng trong kỳ họp thứ 8.
"Nội dung này được thông qua đã đi vào lịch sử của Việt Nam, trở thành quyết định mang tính thời đại và mang tầm vóc to lớn cả về quy mô tài chính, cơ chế, chính sách", đại biểu An bày tỏ.
Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) nhận định, đây là dự án mang tầm vóc thế kỷ của đất nước và Quảng Trị có vinh dự khi là một trong 20 địa phương dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua.
Nữ đại biểu cho rằng, thiết kế đường sắt tốc độ cao về cơ bản ít tốn diện tích đất hơn là đường bộ, nhưng không vì thế mà công việc giải phóng mặt bằng sẽ dễ dàng. Do đó, cần phải có sự quyết tâm chính trị của các địa phương mà dự án đi qua.
Bà Minh chia sẻ, tại Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh đã cam kết với Trung ương sẽ quyết tâm cao nhất trong công tác phối hợp thực hiện dự án, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng.
"Một dự án mang tầm vóc thế kỷ như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì không thể chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Vì thế, cần có sự tuyên truyền để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của dự án, đồng thuận bàn giao mặt bằng, huy động được sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong thực hiện dự án", bà Minh nói.
Nêu thực tế, thời gian qua, chúng ta thành lập Ban chỉ đạo ở các lĩnh vực với người đứng đầu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đạt được hiệu quả cao như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí do Tổng Bí thư đứng đầu, bà Minh đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ban Chỉ đạo dự án, người đứng đầu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp điều hành, được giao quyền quyết những vấn đề cấp bách sẽ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án đặc biệt quan trọng này.
Cùng với đó, ở địa phương cũng phải gắn trách nhiệm người đứng đầu ở khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư.
"Tôi kỳ vọng với quyết tâm chính trị của địa phương và Trung ương, đặc biệt là những cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng, dự án này sẽ rút ngắn thời gian triển khai từ 10 năm xuống 7 năm", đại biểu Minh tin tưởng.
Bước đi tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Với đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hôm nay là cấp thiết.
Bời theo ông, dự án đã hội đủ các điều kiện chín muồi cả về cơ sở chính trị, pháp lý, điều kiện thực tiễn, kinh nghiệm cả thành công và yếu kém rút ra trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia cũng như về năng lực triển khai, quản trị dự án, khả năng tiếp cận công nghệ và điều kiện đáp ứng về nguồn vốn.
Đây là dự án quan trọng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay, do vậy cùng với những khí thế, quyết tâm thì có những lo lắng, quan ngại nhất định về hiệu quả và nguồn lực dành cho dự án.
"Những quan ngại về gia tăng tỷ lệ nợ công, bội chi, làm vượt trần chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ, việc quyết định chủ trương đầu tư nhưng nguồn vốn bố trí cho dự án chưa thể xác định được cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu... là những vấn đề băn khoăn.
Đó là những quan ngại chính đáng, nhưng theo tôi trong điều kiện hiện tại, với những giải trình của Chính phủ thì có thể yên tâm để triển khai dự án chiến lược này và chúng ta còn nhiều giải pháp để dần dần có thể giải tỏa các áp lực, lo lắng nói trên", ông Lâm tin tưởng.
Với 19 cơ chế đặc thù Quốc hội đã thông qua, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, đây đều là những chính sách cần thiết, phù hợp để dự án được sớm triển khai đồng bộ và hiệu quả.
"Với quyết tâm cao, cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, chủ động, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tôi cũng như nhiều cử tri tin tưởng dự án sẽ sớm được thực hiện thành công, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước cả trước mắt và tương lai lâu dài", ông Lâm nói.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm trong ngắn hạn cũng như vừa tạo không gian phát triển mới trong dài hạn.
Trong thời gian vừa qua, việc triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn.
Sự đổi mới tư duy quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiều công trình trọng điểm quốc gia gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt, phát huy kết quả, đạt được những bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua.
"Từ bài học kinh nghiệm thực tiễn, cũng như căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước thì việc quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đồng bộ, hiện đại mang tầm quốc tế, theo tôi là rất cần thiết và khả thi trong giai đoạn hiện nay", đại biểu Mai Văn Hải nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận