Thành công của Singapore có thể là kinh nghiệm để Hà Nội hay TP.HCM của Việt Nam tham khảo.
Từ thu phí thủ công đến công nghệ hiện đại
Hình ảnh biển báo khu vực hạn chế khi Singapore mới bắt đầu áp dụng thu phí tắc nghẽn ở khu vực trung tâm tài chính - thương mại
Trong khoảng thời gian từ cuối những năm 60 đến đầu những năm 70 của thế kỷ 20, dân số và kinh tế của Singapore bùng nổ nhanh chóng.
Cùng với đó, tỉ lệ sở hữu ô tô tại Singapore cũng tăng mạnh, kéo theo tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm tài chính - thương mại với lượng lao động tăng gấp 5 lần.
Từ năm 1975, Singapore đã triển khai thu phí theo mô hình Hệ thống cấp phép đi lại khu vực (ALS), trong đó áp dụng một mức phí cho tất cả phương tiện đi vào Khu trung tâm tài chính - thương mại (CBD).
Khi đó, Singapore chưa áp dụng công nghệ mà thu phí thủ công ở các lối ra, vào trung tâm thành phố, dẫn đến tốn kém về tiền bạc, nhân lực và không mấy cải thiện tình hình tắc đường.
Kể từ năm 1998, Singapore đã áp dụng hệ thống ERP (Hệ thống tính phí đường bộ điện tử) ứng dụng công nghệ để tính phí tắc nghẽn hiệu quả và linh hoạt hơn.
Cùng với thay đổi về công nghệ, Singapore cũng nhiều lần bổ sung và mở rộng quy mô thu phí.
Hiện nay, Singapore không chỉ thu phí trong khu vực CBD mà có tới 78 trạm thu phí ERP trên khắp đất nước. Các trạm này chia thành 3 khu vực chính gồm đường huyết mạch, đường cao tốc và tuyến đường nối với khu trung tâm.
Đồng nghĩa, công nghệ này không chỉ phục vụ thu phí nội đô mà còn dùng để thu phí không dừng trên cao tốc.
Một cổng ERP tại Singapore
Thời gian thu phí vào khu vực trung tâm cũng được mở rộng, nếu như ban đầu chỉ thu vào khoảng 7h30 - 9h30 thì nay thu từ 7h - 19h, từ thứ 2 - thứ 6.
Cước phí áp dụng với mỗi loại xe sẽ khác nhau, tính từ 0 đồng đến khoảng 2 USD cho mỗi lần qua điểm tính phí vào khu hạn chế.
Với công nghệ thu phí đường bộ điện tử ERP hiện nay, người sở hữu ô tô, xe máy cần lắp đặt thiết bị truyền phát (IU) trên phương tiện. Ở ô tô, bộ IU lắp ở bên phải của kính chắn gió, còn xe máy lắp trên tay lái.
Mỗi loại phương tiện sẽ có một bộ IU khác nhau. Thiết bị này có phần màn hình và tín hiệu âm thanh báo cho lái xe khi phí bị trừ hoặc tiền trong tài khoản còn ít.
Người dùng có 2 phương thức để thanh toán: Một là qua các loại thẻ như thẻ giao thông thông minh hoặc thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.
Với lựa chọn đầu tiên, người dùng phải chú ý nạp thẻ để tránh trường hợp thiếu tiền trong thẻ. Còn ở cách thanh toán thứ 2, người dùng sẽ dễ dàng thanh toán hơn mà không lo thiếu tiền.
Khi xe đi qua hệ thống ERP, hệ thống sẽ trừ tiền trong 10 giây. Cổng thu phí sẽ sử dụng công nghệ liên lạc vô tuyến tầm ngắn (DSRC) nhận diện từng loại IU và trừ phí. Mỗi loại xe sẽ có mức phí khác nhau.
Cổng thu phí có gắn cảm biến và camera giám sát nên có thể phát hiện mọi hành vi vi phạm cũng như sai sót, chụp biển số xe vi phạm và gửi phiếu phạt qua hòm thư điện tử của chủ xe.
Phương tiện không lắp IU sẽ bị phạt 50 USD, trường hợp không đủ tiền trong thẻ bị phạt 6 USD. Song, theo ước tính, tỉ lệ vi phạm về các loại lỗi này ở Singapore chỉ khoảng 0,3%.
Trong tương lai, Singapore có kế hoạch nâng cấp ERP thành một hệ thống dựa trên vệ tinh vào năm 2023.
Minh bạch thu phí, phát triển mạnh giao thông công cộng
Thiết bị IU gắn trên xe dùng để hiện cước, số dư thẻ khi qua cổng ERP. Ảnh: Wikimedia
Để đạt được thành công như ngày hôm nay, trong quá trình thực hiện, Chính phủ Singapore cũng vấp phải phản ứng từ người dân Singapore. Có thời gian chính sách này bị chỉ trích là “một trong những điều tồi tệ nhất tại quốc đảo sư tử”.
Thậm chí, nhiều người còn gọi ERP là “Everyday Rob People” (móc túi dân hàng ngày). Bởi diện tích tại Singapore khá nhỏ nên khoảng cách di chuyển không quá lớn, trong khi người dân phải nộp khá nhiều loại phí liên quan tới đường bộ với giá không hề rẻ, đẩy người dân đến bức xúc.
Để thuyết phục, Chính phủ đã phải điều chỉnh các loại phí như giảm lệ phí đăng ký xe hay thuế đường bộ nhằm hợp lý hóa, tránh tình trạng “phí chồng phí”. Chính quyền địa phương cũng lắp miễn phí thiết bị IU để thu hút người dân tham gia vào chương trình. Còn hiện nay, mỗi bộ IU có giá lên tới gần 110 USD.
Giới chức mời người dân tham dự các chương trình thử nghiệm và đưa ý kiến phản hồi để cơ quan chức năng tập hợp ý kiến và điều chỉnh phù hợp.
Một yếu tố quan trọng khác chính là, Singapore đảm bảo minh bạch toàn bộ hoạt động thu phí cũng như sử dụng tiền thu được vào xây dựng, sửa chữa, bảo trì đường bộ và các phương tiện giao thông công cộng hàng quý.
Bên cạnh việc thu phí, Singapore còn kết hợp đầu tư vào vận tải công cộng, hệ thống đường dành cho xe đạp, người đi bộ. Từ đó, Singapore đã tăng được số lượng sử dụng xe bus, tàu điện, giảm khí thải nhà kính trong khu vực trung tâm thành phố.
Từ khi áp dụng, tắc nghẽn giao thông trong khu vực hạn chế gần như không còn, lượng xe vào khu vực hạn chế giảm 21% mỗi ngày.
Theo Quỹ Bảo vệ Môi trường (Environmental Defense Fund), việc triển khai hệ thống ERP tiêu tốn khoảng 200 triệu SGD (khoảng 125 triệu USD), chi phí duy trì mỗi năm là 16 triệu SGD (khoảng 10 triệu USD). Doanh thu trung bình hàng năm từ ERP đạt 150 triệu SGD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận