Cứ mỗi độ gần đến Tết cổ truyền dân tộc, cũng là lúc những chủ vườn trồng mai dưới chân núi Hoành Sơn, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tất bật chăm sóc cây để phục vụ nhu cầu của người dân, thương lái.
Những ngày này, người dân nô nức đổ về xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) - “thủ phủ trồng mai” nức tiếng ở Hà Tĩnh để ngắm nhìn và chọn cây mai ưng ý về chưng tết Giáp Thìn 2024. Những vườn mai bạt ngàn sắc vàng dưới chân Đèo Ngang đang được người dân tất bật vào vụ thu hoạch.
Theo các chủ vườn, năm nay mặc dù là năm nhuận nhưng thời tiết thuận lợi nên cây mai sinh trưởng, phát triển rất tốt. Hiện các nhà vườn tại xã Kỳ Nam có hàng nghìn gốc mai trưởng thành có thể xuất bán với giá dao động từ 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Bà Bùi Thị Bình (chủ vườn) cho biết, năm nay vườn của gia đình cho ra thị trường Tết hơn 1.000 gốc mai, trong đó có nhiều gốc đã được khách hàng đặt mua. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thành những công việc cuối cùng để giúp mai đậu nhiều nụ đẹp. Năm nay thời tiết thuận lợi, mai đang thời kỳ ủ bông, dự kiến sẽ nở đúng dịp tết Nguyên đán nên bà con rất phấn khởi.
Mai vàng Kỳ Nam là cây bản địa có đặc điểm quý như hoa lâu tàn, ít phai màu, thân cứng và nhiều cành màu nâu đậm, nhiều năm qua rất được người chơi mai Tết ưa chuộng.
Theo bà Bình, nhiệt độ thích hợp để hãm hoa nở là 15 - 18 độ C. Để một cây mai phát triển và cho hoa đều phải mất đến 5 - 7 năm, thậm chí có nhiều cây tuổi đời lên đến gần 50 năm.
Tuốt bỏ toàn bộ lá sẽ giúp cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo hoa ra nhiều, đều, mập, hoa, cánh dày, màu đẹp. Việc tuốt lá mai bằng tay phải rất cẩn thận, nhất là không được tuốt lá thẳng từ trên xuống, làm như vậy sẽ tổn thương đến mầm nụ hoa.
Nhiều cây được tạo dáng rồi cho vào chậu bày hai bên đường ở xã Kỳ Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hảo, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Nam cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên bà con rất phấn khởi, mong chờ dịp Tết ấm no. Toàn xã hiện có 153 hộ dân trồng mai với diện tích trên 7ha. Cây mai trở thành cây hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh tổ chức triển khai dự án: “Tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh”. Sau bưởi Phúc Trạch (huyện Hương Khê) và nhung hươu Hương Sơn, mai vàng là sản phẩm thứ 3 của Hà Tĩnh được triển khai thiết lập chỉ dẫn địa lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận