Thủ tướng Campuchia Hun Sen |
Cũng giống như ông chủ Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Campuchia đã lên án một số nhà báo khiến ông không vừa ý trong một bữa tiệc được tổ chức dành cho các cơ quan truyền thông.
Lên án báo chí chưa tròn trách nhiệm
Theo Reuters hôm 22/1, phát biểu trước khoảng 3.000 phóng viên và quan chức báo chí, ông Hun Sen đã cáo buộc một số phóng viên “có hành vi tống tiền” những người khai thác gỗ và cho rằng, “không thể để báo chí kiểu mafia này tồn tại”.
Liên hợp quốc đánh giá Campuchia là một trong những nước đối mặt với tình trạng phải gánh chịu nạn phá rừng nghiêm trọng. Theo nhiều dữ liệu, nạn phá rừng và phát triển công nghiệp khiến quốc gia Đông Nam Á này mất 2,85 triệu hecta rừng tự nhiên trong vòng 20 năm qua.
Một trong những giải pháp quyết liệt mà Chính phủ Campuchia đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng này là cho phép trực thăng của cảnh sát được quyền phóng tên lửa tiêu diệt những kẻ lâm tặc nếu phát hiện ra hoạt động của chúng. Chính vì thế, Chính phủ của ông Hun Sen mong muốn báo chí vào cuộc và vạch mặt những kẻ khai thác gỗ lậu, chứ không phải che giấu và tống tiền chúng như hành vi của một số nhà báo mà ông không tiện nhắc tên.
Tại buổi tiệc, ông Hun Sen cũng nhắc đến một cơ quan báo chí từ chối đóng thuế, nhưng không nêu rõ tên. Tuy nhiên, cáo buộc của Thủ tướng Hun Sen dễ có thể khiến người ta liên tưởng tới trường hợp của tờ báo tiếng Anh Cambodia Daily, một trong số ít các tờ báo độc lập còn lại của Campuchia. Tờ báo này đã tuyên bố đóng cửa ngày 4/9/2017 vì bị chính quyền của Thủ tướng Hun Sen giáng cho một hóa đơn thuế khổng lồ trị giá 6,3 triệu USD.
Ngoài tờ Cambodia Daily, các hãng truyền thông độc lập khác, trong đó có Đài Radio Free Asia và Đài Voice of America cũng được cho là từng bị Chính phủ của ông Hun Sen cáo buộc không tuân thủ nghĩa vụ trả thuế. Những hãng này có điểm chung là thường xuyên đưa tin về những vấn đề làm xấu mặt chính phủ như tham nhũng và nhân quyền.
Hiệu ứng cáo buộc tin giả
Cũng tại sự kiện trên, nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm tại Campuchia Hun Sen đã nhắc tới một thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “Giải đưa tin giả mạo năm 2017”. Nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á cũng cáo buộc một số phóng viên cố tình phát tán và lan truyền các câu chuyện bịa đặt. Sự việc này khiến nhiều người cho rằng, đang có một hiệu ứng cáo buộc các tin tức giả mạo của các chính khách quốc tế.
Phát biểu tại buổi tiệc mà Chính phủ Campuchia tổ chức cho các nhà báo, ông Hun Sen nói: “Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi tạo ra “Giải đưa tin giả mạo” mà ông ấy mới thông báo trong vài ngày qua. Và ở Campuchia cũng có loại truyền thông này”.
Tin giả mạo (Fake News) là thuật ngữ ông chủ Nhà Trắng Donald Trump hay sử dụng đối với các thông tin chỉ trích bản thân mình cũng như chính quyền của ông. Không có các hoạt động kỷ niệm hoành tráng, nhưng “Giải đưa tin giả mạo 2017” được Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên Twitter đã thu hút rất nhiều người quan tâm và bình phẩm.
Danh sách “giải thưởng đặc biệt” của ông Trump đã được công bố trên trang web của đảng Cộng hòa, trong đó nêu tên các hãng truyền thông nổi tiếng và uy tín của Mỹ như: CNN, New York Times và Washington Post. Danh sách này cũng “buộc tội” truyền thông đã đưa tin không khách quan, công bằng khi có tới 90% thông tin về Tổng thống Donald Trump trong năm 2017 là tiêu cực.
Trở lại vấn đề tại Campuchia, ông Hun Sen cũng từng cáo buộc các cơ quan báo chí chỉ trích chính phủ đương thời là “lan truyền tin giả mạo”. Việc đưa các tin chính trị có động chạm đến chính quyền đương nhiệm ở Campuchia đã đẩy các tờ báo đến chỗ “điêu đứng”.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Jodie DeJonge, Tổng biên tập người Mỹ của tờ Cambodia Daily nói rằng: “Chúng tôi đã khiến ông Hun Sen không hài lòng trong suốt thời gian tờ báo hoạt động”. Tờ Cambodia Daily từng tự hào là tờ viết về những vấn đề nhức nhối nhất như tham nhũng, lãng phí, các vấn đề về môi trường và quyền đất đai. Việc tờ báo này buộc phải đóng cửa cũng đã từng gây ngạc nhiên cho nhiều cơ quan báo đài quốc tế vào năm ngoái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận