Tìm nguồn vốn, phương thức, công nghệ mới để làm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đường sắt ra đời 140 năm, cảm giác chưa phát triển xứng đáng với mong muốn của nhân dân và lịch sử.
Năm 2021, dịch Covid-19, việc làm, đời sống công nhân đường sắt rất khó khăn. Thủ tướng rất trăn trở, làm thế nào để vực dậy ngành đường sắt, góp phần hoàn thiện các phương thức vận tải.
Vì vậy, Thủ tướng đã đến ga Hà Nội, tiếp xúc với khách hàng, người dân đi tàu, đến dự hội nghị của đường sắt để nghe các doanh nghiệp ngành du lịch, hóa chất... nói lên mong muốn của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh, Tổng công ty Đường sắt VN cần quản lý thế nào cho phù hợp, hiệu quả, không được nóng vội, cũng không được cầu toàn. Hơn 3.000km đường sắt, 297 khu ga trải dài, lao động nhiều, đây là khối tài sản lớn, phải giải quyết được bài toán không thua lỗ, khai thác hiệu quả tài sản, nguồn nhân lực.
"Tôi rất ấn tượng, rất hài lòng khi đến ga Hà Nội. Tôi hỏi người lao động, họ trả lời có nhiều cái mới, tàu đẹp hơn. Tôi hỏi lương có được hơn không, họ nói là đủ. Tôi hỏi hai hành khách, hành khách trả lời đi tàu bây giờ sướng lắm, mua vé dễ lắm, mua vé qua mạng, đi tàu đúng giờ, dịch vụ thoải mái. Tôi phải đến tận nơi để nghe các đối tượng làm trực tiếp, đối tượng hưởng thụ trả lời, là thật nhất. Qua đó thấy được sự tiến bộ, sự vui mừng. Tôi rất ấn tượng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Tổng công ty Đường sắt VN đã có nhiều tiến bộ trong năm 2023, doanh thu, thu nhập người lao động có tăng. Đặc biệt, đã xây dựng được phong trào Đường tàu - Đường hoa, Mỗi cung đường một loài hoa - Mỗi nhà ga một điểm đến, tạo được hình ảnh đẹp.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, đường sắt không được chủ quan, lơ là, thành tích mới là bước đầu; phải tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để đạt thành tích tốt hơn.
Cơ chế chính sách chưa có nhiều thay đổi nhưng chất lượng, ý thức con người thay đổi. Từ khí thế này, thổi hồn và quyết tâm cao chắc chắn sẽ có kết quả tốt.
Nhưng còn nhiều trăn trở, đường sắt còn lạc hậu, chưa có đường sắt cao tốc, trong khi Trung Quốc đã hơn 40.000km đường sắt cao tốc. Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Phải biến các trăn trở thành hành động, biến thành dự án, đề án, thành các chương trình cụ thể, từ đó trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiên cứu đầu tư. Tìm nguồn vốn, phương thức, công nghệ mới để làm.
Ngành đường sắt phải đặt trong quá trình vận động và phát triển, nhưng đi sau phải về trước. Muốn vậy, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược và hành động phải quyết liệt để phát triển nhanh, bền vững.
Về nguồn vốn, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước, xu thế của thời đại, công nghệ để thu hút nguồn lực. Khai thác nguồn lực sẵn có từ các tuyến đường sắt, từ nguồn nhân lực 22.000 người lao động, gần 300 nhà ga, điều kiện thiên nhiên...
Thủ tướng yêu cầu, năm 2024 quyết tâm trình phê duyệt đề án đường sắt tốc độ cao và các dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, TP.HCM - Cần Thơ... Cùng đó, làm tốt công tác phối hợp giữa các nghề như du lịch, hóa chất..., thúc đẩy phát triển các đối tác, có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành.
Chú trọng phát huy thế mạnh của ngành đường sắt, tập trung xu thế phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giảm thủ tục hành chính; không để cơ chế xin cho.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt VN tập trung vào các nội dung sau: Quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài sản, tài chính đang có và có lợi nhất cho sự phát triển trước mắt và lâu dài, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên lĩnh vực đường sắt, nhất là đối với đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Tái cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, giảm số lượng, tăng chất lượng, sao cho bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thị trường, quy luật kinh tế cạnh tranh...
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp với tổng công ty triển khai công tác tái cơ cấu hiệu quả.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN cam kết, sẽ cụ thể hóa bài học kinh nhiệm và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng các chương trình hành động, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, theo phương châm 16 chữ: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
"Tổng công ty phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ 2023, tạo đà cho thắng lợi của cả nhiệm kỳ và thời gian tới", ông Mạnh nói.
Kinh doanh vận tải liên tiếp hai năm có lãi
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt kết quả tích cực. Bằng nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, đây là năm thứ hai liên tiếp kinh doanh vận tải đường sắt có lãi.
Cụ thể, doanh thu tổng công ty hợp nhất thực hiện được 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch.
Công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ngày một tốt hơn. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng, đạt 105,2% so với cùng kỳ; tăng 6%.
Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113,2% so với cùng kỳ và đạt 96% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban vốn) giao. Lợi nhuận sau thuế 4,5 tỷ đồng, tương đương 150% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban vốn giao.
Tình hình trật tự ATGT đường sắt được kiểm soát giảm trên cả 3 tiêu chí: Xảy ra 205 số vụ tai nạn, giảm 11 vụ (-5,1%); 81 người chết, giảm 5 người (-5,8%); bị thương 119 người, giảm 07 người (-5,6%)).
Về vận tải, sản lượng vận chuyển hàng hóa giảm do nhu cầu thị trường giảm mạnh, thực hiện được 4,6 triệu tấn xếp, bằng 81,8% cùng kỳ. Nhưng với nhiều giải pháp, sản phẩm vận tải độc đáo, vận tải hành khách tăng trưởng tốt, thực hiện được 6,1 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 135,1% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải 3.973,4 tỷ đồng, bằng 107,0% cùng kỳ.
Năm 2024, Tổng công ty Đường sắt VN đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch được Ủy ban vốn giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2023 ít nhất là 5% trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN phấn đấu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, bằng 100,18% so với cùng kỳ, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận