Chiều tối qua (28/3), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì, trả lời nhiều câu hỏi “nóng” tại buổi họp báo quý I/2019.
Có nên để tư nhân làm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?
Vấn đề lựa chọn nhà đầu tư Dự án nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những vấn đề nóng nhất được nhiều PV đặc biệt quan tâm.
PV các báo Tuổi Trẻ, Vietnam Finance đều có chung câu hỏi: Có nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án, cơ quan chức năng có nên tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, ràng buộc điều kiện để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu?
Về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ KH-ĐT Nguyễn Minh Phương cho biết, ngày 26/3, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó đề xuất 4 hình thức đầu tư gồm: Giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của DN; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.
“Tại báo cáo này, Bộ GTVT phân tích cụ thể các ưu nhược điểm của từng phương án liên quan đến khả năng đảm bảo tiến độ, năng lực đầu tư và đồng bộ trong quản lý khai thác”, ông Phương nói và cho biết thêm: Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV do đây là DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là DN được cấp giấy chứng nhận khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN là cần thiết. Cùng đó, ACV cũng thể hiện được năng lực qua các công trình quan trọng được DN này đầu tư trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, khi ACV đầu tư, quản lý, khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ “đảm bảo nguyên tắc mỗi CHK, sân bay có một nhà khai thác CHK, sân bay” như quy định của ICAO.
Ông Phương cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ mới là người cuối cùng quyết định lựa chọn phương án nào, có giao ACV thực hiện nhà ga hành khách T3 hay không.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào hàng không, đặc biệt là sự thành công tại dự án CHK quốc tế Vân Đồn. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư thực hiện những dự án CHK quốc tế mới như Vân Đồn rất thuận lợi, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ. Đối với việc chỉ đầu tư vào nhà ga, như T3 Tân Sơn Nhất, phải xem xét sự đồng bộ trong quản lý, khai thác cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như khuyến cáo của ICAO.
“Không thể tách ra nhiều nhà khai thác trong một CHK”, Thứ trưởng Đông nói.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đúng tiến độ
Liên quan đến câu hỏi của PV Thanh Niên, An ninh Thủ đô về dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đặc biệt về những e ngại về khả năng đảm bảo tiến bộ khi đã rất sát “giờ G” nhưng dự án theo lời PV là “còn rất ngổn ngang; một số hạng mục tại ga đã hư hỏng, kính nứt vỡ, lan can thang cuốn hư hỏng, nhiều lớp vữa trát đã bong tróc để hở nhiều ốc vít…”, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt đã thẳng thắn thừa nhận những phản ánh trên. Mặc dù vậy, ông Phương cũng cho biết, dự án vẫn đang trong quá trình thi công và chưa được nghiệm thu.
“Tổng thầu vẫn đang rà soát lại toàn bộ và chịu trách nhiệm sửa chữa trước khi bàn giao”, ông Phương nói.
Thông tin thêm về tiến độ dự án, ông Phương cho biết vẫn còn khoảng 1% công việc chưa được hoàn tất, tuy nhiên chủ yếu chỉ là những hạng mục phụ như: mái che, thang cuốn và hệ thống cảnh quan cây xanh. Ban QLDA đang chỉ đạo tổng thầu, quyết tâm hoàn thành trong tháng 4.
Khi nào Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm bay boeing 737 MAX?
Liên quan đến câu hỏi của PV liên quan đến các động thái tiếp theo của nhà chức trách hàng không về việc cấm bay dòng Boeing 737 MAX, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, hiện Việt Nam chưa có hãng hàng không nào khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. Tuy nhiên, Vietjet đã có hợp đồng mua 200 tàu bay này, dự kiến sẽ nhận chiếc đầu tiên vào tháng 10 năm nay.
Về câu hỏi khi nào Việt Nam dỡ bỏ lệnh “cấm bay” với Boeing 737 MAX, ông Thắng cho biết, Việt Nam chỉ dỡ bỏ lệnh cấm Boeing 737 MAX khi nguyên nhân của 2 vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX (tại Ethiopia và Indonesia) được làm rõ, Boeing đã thực hiện các biện pháp khắc phục hữu hiệu các sai sót, đảm bảo an toàn cho chủng loại máy bay Boeing 737 MAX; Cục Hàng không Liên bang Mỹ (AFF) phải thực hiện phê chuẩn các sửa đổi của Boeing cũng như phê chuẩn lại chứng chỉ loại cho Boeing 737 MAX; Nhà chức trách hàng không châu Âu cũng phê chuẩn lại chứng chỉ loại cho máy bay Boeing 737 MAX sau khi đã được sửa đổi. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng sẽ tham khảo quan điểm của một số nhà chức trách hàng không có uy tín và có đủ năng lực như Canada, Nga, Trung Quốc trong vấn đề này.
“Cục Hàng không VN sẽ theo dõi rất sát và nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề liên quan đến Boeing 737 MAX, báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia trước khi quyết định cho Boeing 737 MAX khai thác trở lại Việt Nam”, ông Thắng nói.
Hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn là cần thiết
Liên quan đến đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội và TP HCM, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, việc hạn chế xe máy, thậm chí là cấm hoạt động đã triển khai ở một số đô thị trên thế giới, được coi là một trong những giải pháp để đảm bảo ATGT, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, giải pháp này phải đi kèm việc đáp ứng khả năng của vận tải công cộng, kết nối tốt các loại hình vận tải trong đô thị, có không gian giao thông tĩnh để đi bộ, bãi đỗ xe để gửi xe cá nhân đi phương tiện công cộng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc Chính phủ giao Hà Nội và TP HCM xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, khi thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận