Xã hội

Thủ tướng: Xây dựng lương cán bộ, công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp

Từ 9h50 ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Hướng tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt và thống nhất

Gửi câu hỏi chất vấn tới Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc thí điểm cơ chế, chính sách, pháp luật có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật. Song mặt khác lại tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết, việc trình Quốc hội thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện của sự bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không?

Và đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm, nếu thấy có tác dụng, hiệu quả tốt thì tại sao Chính phủ không khẩn trương xây dựng trình Quốc hội sửa đổi luật để áp dụng thống nhất mà vẫn tiếp tục đề xuất chỉ mở rộng phạm vi thực hiện thí điểm cho một số dự án hay địa phương cụ thể. Như vậy liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách hình thành cơ chế xin cho hay không?

Thủ tướng nhận trách nhiệm vì chậm thể chế nghị quyết 27 tới 15 năm  - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội).

Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết, đất nước ta là đất nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế.

Tình hình thế giới, tình hình thực tiễn của đất nước thay đổi nhanh vì vậy trong các văn bản, quy định có cái theo kịp, có cái chưa. Vì vậy, quy trình xây dựng pháp luật còn tốn nhiều thời gian công sức.

Theo Thủ tướng, việc đưa ra chính sách, cơ chế đặc thù đều có cơ sở chính trị. Nghị quyết 18 của TW khóa trước và Nghị quyết 19 của TW khoá này đều có tinh thần "những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hoá. Cái gì chưa rõ, chưa chín có luật pháp nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần không cầu toàn, không nóng vội".

Thủ tướng nhận trách nhiệm vì chậm thể chế nghị quyết 27 tới 15 năm  - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn sáng 8/11.

Trên cơ sở thực tiễn, chúng ta đã ban hành một số nghị quyết như nghị quyết 30 của Quốc hội hay nghị quyết thí điểm cho các địa phương. Tất cả đều đang hiệu quả. 

"Như vậy, chúng ta có cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý. Nhưng tới đây, Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, lắng nghe các ý kiến để có điều chỉnh cho phù hợp, hướng tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt và thống nhất", Thủ tướng nói.

Nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng cháy, nổ 

Trả lời đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá) về giải pháp chấn chỉnh tình trạng cháy, nổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm như cháy chung cư mini, cháy quán karaoke…

Trước thực trạng đó, Chính phủ cũng đã có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân (hiểu biết, kỹ năng phòng và chống) về cháy nổ.

Thủ tướng nhận trách nhiệm vì chậm thể chế nghị quyết 27 tới 15 năm  - Ảnh 3.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá).

Thứ hai là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp ủy.

"Vừa qua tôi tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá lại, ở đâu cấp uỷ quyết liệt lãnh đạo chỉ đạo thực hiện chủ trương đường lối đến tận người dân thì chỗ đó tốt", Thủ tướng nói thêm.

Tiếp đó cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, quy hoạch các vấn đề liên quan.

Đồng thời huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội vào công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là thực hiện hiện đại hóa lực lượng nòng cốt về phòng cháy, chữa cháy…

Thủ tướng nhận trách nhiệm vì chậm thể chế nghị quyết 27 tới 15 năm  - Ảnh 4.

Quốc hội nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính giải trình.

Nhận trách nhiệm chậm thể chế Nghị quyết 27 tới 15 năm 

Tham gia chất vấn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao Chính phủ chỉ đạo kịp thời để thể chế hóa và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. 

Tuy nhiên, sau gần 15 năm, đến nay vẫn chưa thể chế hóa cái nội dung này. 

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đến khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết giao?

Thủ tướng nhận trách nhiệm vì chậm thể chế nghị quyết 27 tới 15 năm  - Ảnh 5.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn tỉnh Bình Định).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thừa nhận trách nhiệm sau gần 15 năm được giao nhiệm vụ nhưng chưa hoàn thành. 

"Giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành thì phải nhận khuyết điểm và xử lý trách nhiệm, rốt ráo thực hiện các nhiệm vụ được giao", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thời gian tới,sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, các ngành, các phó thủ tướng Chính phủ phụ trách vào cuộc để phân cấp, phân quyền, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Phấn đấu để lương khu vực Nhà nước tiệm cận doanh nghiệp

Trả lời chất vấn của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP. HCM) về giải pháp thực hiện cải các tiền lương, Thủ tướng chia sẻ tiền lương luôn là vấn đề được quan tâm và đây cũng là động lực cho cán bộ công chức tham gia cống hiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhấn mạnh chủ trương đã có, Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết 27, nhưng do nguồn lực khó khăn nên chưa thể thực hiện.

Song, Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi để có tiền cho cải cách tiền lương bắt đầu từ tháng 1/7/2024 đến hết năm 2026.

Với cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh cần cải cách tiền lương trong khu vực ngoài Nhà nước để hai mức này tiệm cận với nhau.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, sắp tới sẽ hoàn chỉnh xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tiết kiệm các khoản chi để chi lương cho người lao động.

Ông cho biết đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan xây dựng chính sách tiền lương với khu vực ngoài Nhà nước để mức lương tiệm cận với khu vực công.

Phiên chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc lúc 11h.

Đánh giá phần trả lời của người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong 70 phút, Thủ tướng đã báo cáo nhiều thông tin, cập nhật, bổ sung tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và những vấn đề nổi lên.

Trong hơn 1 tiếng chất vấn, đã có 62 đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng trong đó, 9 người đặt câu hỏi và một đại biểu tranh luận. Còn 52 đại biểu gửi câu hỏi đến Thủ tướng để trả lời bằng văn bản.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.