Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.
Chốt tiến độ, tháo gỡ vướng mắc
Thông báo nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Tp. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc quá trình triển khai; do còn có sự lúng túng trong sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc xác định tổng mức đầu tư điều chỉnh cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm thông xe vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải có giải pháp tổng thể, cũng như giải pháp cụ thể để xử lý những vấn đề đặt ra, đặc biệt là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, với tinh thần "Đảm bảo tiến độ - Đảm bảo chất lượng - Đảm bảo hiệu quả - Không tham nhũng tiêu cực", công khai minh bạch và an toàn công trình.
“Dự án đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các Bộ, ngành và cả hệ thống chính trị tại địa phương. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với 20 triệu đồng bào tại Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng đã có các chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ mọi vướng mắc của dự án.
Như về phần vốn Nhà nước, Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ Tài chính sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để hỗ trợ cho dự án.
UBND tỉnh Tiền Giang cùng với nhà đầu tư dự án làm việc với các ngân hàng cấp vốn để giải quyết về nguồn vốn vay, bảo đảm yêu cầu tiến độ dự án.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (nhất là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) kịp thời bố trí nguồn vốn tín dụng cho dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Về phê duyệt điều chỉnh dự án, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Tiền Giang về xây dựng định mức vật tư, giá nguyên vật liệu; Bộ GTVT hướng dẫn UBND tỉnh Tiền Giang về điều chỉnh thiết kế cơ sở đối; giao UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì họp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn và các đơn vị có liên quan để thống nhất các nội dung về kinh tế - kỹ thuật (trong đó có tổng mức đầu tư) theo đúng quy định pháp luật, làm căn cứ để phê duyệt điều chỉnh dự án trước ngày 6/8/2019.
Tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư dự án trong tháng 8/2019 để triển khai thi công liên tục.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Thủ tướng giao Bộ GTVT thành lập Tổ công tác do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng, có sự tham gia của các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang, Văn phòng Chính phủ và đại diện nhà đầu tư dự án để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án, chủ động đi kiểm tra để nắm bắt tình hình triển khai Dự án, định kỳ hằng tháng báo cáo Thủ tướng, nhất là những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để kịp thời giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án trên tinh thần công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã đề ra.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỉ đồng.
Ngày 22/3/2019, Bộ GTVT đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GTVT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư dự án), sau khi tái khởi động vào cuối tháng 3/2019, khối lượng thi công dự án đã đạt khoảng 22% (1.107 tỉ đồng), tăng hơn 10% so với trước đây.
Hiện số tiền đổ vào dự án khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là tiền của chủ đầu tư và nhà thầu. Mới đây UBND tỉnh Tiền Giang đã tạm ứng cho nhà đầu tư khoảng 228 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng trong thời gian chờ nguồn vốn ngân sách và vốn vay tín dụng. Tuy nhiên số tiền chẳng thấm vào đâu so với một dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận