Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 33/2019/TT-BCT (hiệu lực từ 8/1/2020), quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Việc xét chọn thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.
Theo đó, có 3 tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Tiêu chí về chất lượng gồm 5 nội dung (mỗi nội dung có số điểm tối đa 60 điểm): Việc áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) ISO 9001; Áp dụng, duy trì hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 14001, SA 8000, VietGap, Global Gap...hoặc tương đương; Công bố về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; Đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm; Các giải thưởng về chất lượng.
Tiếp theo, tiêu chí về đổi mới sáng tạo gồm 8 nội dung, như: Chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo; Tổ chức công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); Các giải thưởng sáng tạo... Tổng điểm tối đa của tiêu chí 2 là 180 điểm.
Tiêu chí cuối cùng về năng lực tiên phong gồm 14 nội dung, như: Tầm nhìn doanh nghiệp; Giá trị cốt lõi; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; Tầm nhìn thương hiệu; Định vị thương hiệu; Bảo vệ thương hiệu...., tổng điểm tối đa là 520 điểm.
Cũng theo Thông tư, Thương hiệu Quốc gia giúp xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao, do nhà nước xét duyệt, không thuộc thẩm quyền của bất cứ cá nhân phi chính phủ nào khác.
Thông tư được ban hành trong bối cảnh hàng loạt vi phạm liên quan đến việc bình chọn các giải thưởng cho các doanh nghiệp bị phát hiện. Trong đó, nhiều đơn vị trao là những đơn vị tự phát, không trực thuộc Nhà nước, làm ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận