Ngập lụt do thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ hôm 1-2/11. |
Nhiều câu hỏi chất vấn thuỷ điện An Khê - Ka Nak
Trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ hai-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Chủ tịch HĐND - Bí thư Thị ủy An Khê nêu câu hỏi chất vấn đối với ông Võ Lũy, Giám đốc Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak: "Khi xả lũ mà không báo cho chính quyền và người dân biết để kịp thời di dời và ứng phó thì có đúng quy trình không? Thiệt hại về người và của thì đền bù bao nhiêu là đủ? Và hiện nay Cty đã có phương án cụ thể phòng chống cho mùa mưa lũ?”.
"Việc đánh giá đúng hay sai quy trình xin nhường lại cho các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, để nhân dân bất an, cuộc sống thiếu ổn định thì cần phải xem lại quy trình xả nước ở thuỷ điện này". Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Chủ tịch HĐND, Bí thư Thị uỷ An Khê |
Trước đó, ông Vũ Tiến Anh, đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai chất vấn: “Đợt xả nước từ 23h ngày 1/11/2016 đã làm chính quyền và người dân thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa bị bất ngờ, không kịp xử lý. Hậu quả làm chết 1 người và gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Vậy, trách nhiệm của đơn vị khi xả lũ gây thiệt hại cho dân? Việc xả lũ có sai phạm gì không? Những giải pháp triệt để trong thời gian đến? Nếu còn tái diễn việc xả lũ như thời gian qua, giám đốc Công ty chịu trách nhiệm như thế nào?”.
Ông Võ Lũy, Giám đốc Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak khẳng định: “Việc vận hành, điều tiết An Khê- Ka Nak trong giai đoạn vừa qua là đúng quy trình. Nếu không có tác động về diễn biến bất thường của thời tiết thì không thể gây thiệt hại cho dân.
Dân đâu cần quy trình xả lũ
Trong quá trình vận hành xả nước điều tiết Cty đã chủ động phối hợp với địa phương để thông báo tình hình xả nước. Cụ thể: Công ty đã gọi điện, email, nhắn tin đồng thời gửi fax đến các đơn vị liên quan. Lắp đặt và vận hành tin cậy 6 trạm cảnh báo cho vùng hạ du và xe ô tô lắp đặt hệ thống loa cảnh báo để thông báo thông tin. Vào thời điểm lưu lượng nước lớn nhất về hồ 582,48m3/s, lưu lượng xả nước qua tràn An Khê lớn nhất 500m3/s. Trong khi đó, lượng nước về hồ Ka Nak khoảng 700 triệu m3. Nhằm giảm lũ cho hạ du, hồ Ka Nak đã không tiến hành xả nước qua tràn và nhà máy. Vì vậy, cụm hồ An Khê- Ka Nak đã phát huy tốt vai trò điều tiết giảm lũ cho hạ du”, ông Luỹ cho biết.
Chưa thẳn thắn với dân?
Ngoài tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng sau khi thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ còn có địa phương ở Phú Yên. Địa phương này họ cũng phản ứng rất mạnh việc nhà máy xả lũ khiến nhân dân điêu đứng. Ông Võ Ngọc Thành- Chủ tịch tỉnh Gia Lai. |
Ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch tỉnh Gia Lai cho rằng, ông Võ Lũy trả lời còn vòng vo, chưa thẳng thắn thừa nhận và rút kinh nghiệm từ những việc đã xảy ra. “Tôi nhận thấy những câu trả lời của ông Lũy chưa thực sự thấu đáo. Quy trình xả lũ có làm nhưng chưa thật đầy đủ, vẫn còn thiếu sót. Đơn vị cũng chưa nhận trách nhiệm”.
Sau phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Chủ tịch HĐND - Bí thư Thị ủy An Khê cho rằng việc nhà máy thuỷ điện nhắn tin cho các lãnh đạo là trưởng ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện vào lúc 23h đêm, 2h sáng thì không thể chấp nhận được. Thời điểm đó không ai làm việc cả. Nhân dân sau khi biết tin lũ về thì chỉ biết chạy người chứ không thể cứu được của cải tài sản. Trong đó trường hợp bất lợi như thiên tai khiến vỡ đập thuỷ điện dân cũng không biết phải xoay sở thế nào. Vậy nên cần phải có các phương án phòng chống lũ của thuỷ điện cùng với đó là công tác diễn tập để ứng phó cũng rất cần thiết.
Bà Lịch cho biết thêm, trong khi đó An Khê là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất vì sông Ba qua An Khê không có nhánh sông nào cả, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào dòng sông. Việc thuỷ điện tích nước, chặn nguồn, giảm lưu lượng dòng chảy khiến nhân dân điêu đứng đã đành, nhưng việc nhà máy thuỷ điện này xả nước ở cửa đáy khiến lượng bùn đất đổ về làm cho nhà máy nước, cũng như các hoạt động khác của của Thị xã An Khê bị ngưng trệ. Cả nhân dân và chính quyền đều bức xúc, vấn đề này đã nêu nhưng chưa thấy giải quyết, trong khi đó là yêu cầu cấp bách...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận