Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều chuyên gia cho rằng, tích hợp radar vào hệ thống giao thông thông minh (ITS) cũng như kết hợp cùng camera sẽ là giải pháp hoàn hảo để tăng cường năng lực quản lý giao thông, đồng thời nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:
Cần sử dụng radar để phát hiện sớm vật ngoại lai
Với an toàn hàng không hiện nay, vấn đề đuổi chim ở đường cất hạ cánh cần được đặc biệt quan tâm. Thế giới đã có công nghệ và hệ thống đuổi chim, nhưng ở Việt Nam khi nói đến vấn đề đuổi chim cho máy bay lại thành câu chuyện có vẻ buồn cười.
Tuy nhiên, đây là vấn đề thực tiễn đòi hỏi cần xử lý. Việt Nam rất cần hệ thống này, nhất là vào mùa chim di cư, từng đàn chim đậu xuống khu sân bay, hay khu vực xung quanh sân bay và nguy cơ va chạm với tàu bay. Chúng ta cần nghiên cứu quy luật hoạt động của các đàn chim để ứng xử phù hợp.
Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát phát hiện sớm vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh, ngành hàng không đã có đề án nhưng vấn đề đặt ra là cách tổ chức thực hiện đề án thế nào, bằng công nghệ gì?
Cần thiết sử dụng radar để phát hiện sớm vật ngoại lai nhưng cần có đánh giá hiện trạng hiện nay đang được triển khai thế nào, kinh nghiệm các nước ra sao. Việc đầu tiên để phòng chống vật ngoại lai là phải đưa quy trình ngăn ngừa xuất hiện vật ngoại lai trên đường băng vào trong hệ thống quản lý an toàn của tất cả các cơ quan, đơn vị hoạt động ở khu vực sân bay.
Ông Trần Tuấn Linh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học hàng không, nguyên Trưởng phòng KHCN, Cục Hàng không VN:
Với an ninh, an toàn không thể tiếc tiền
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo an ninh an toàn hàng không, cụ thể là các hệ thống phát hiện vật thể lạ (FOD) trong khu bay, đặc biệt là trên đường hạ cất cánh cũng như hệ thống giám sát an ninh không phải cần thiết mà là rất cần thiết.
Riêng hệ thống phát hiện FOD, Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) quy định rõ những sân bay có mật độ cất hạ cánh trên 500 chuyến bay/ngày (như Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở Việt Nam) phải áp dụng những thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất trong khi đó, cơ bản cũng ta mới chỉ giám sát bằng con người là chính.
Tôi được biết, trên thế giới hiện có một số hệ thống chính gồm Trex FOD Finder của Mỹ, Moog Tarsier của Anh, Xsight FODetect của Israel và Stratech iFerret của Singapore. Các hệ thống này đều phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) kiểm tra, đánh giá và chứng nhận.
Tương tự về an ninh cũng vậy. Tôi đánh giá hệ thống an ninh, trong đó có hàng rào an ninh của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn nữa. Giám sát bằng con người không thể bao quát hết. Do đó, cần một hệ thống công nghệ giám sát từ xa, từ vành ngoài tiếp cận cho đến hàng rào và cả bên trong. Con người chỉ giám sát được tại khu vực cổng gác, còn hàng rào khu bay dài cả chục km, không tai mắt nào giám sát nổi.
Thực tế, từng có một số cảng hàng không của Việt Nam bị đột nhập do hàng rào an ninh chưa được hoàn thiện. Trâu bò, chó mèo cũng từng “đi lạc” vào sân bay. Do vậy, có một hệ thống giám sát tự động là vô cùng cần thiết.
Hiện tại, có rất nhiều hệ thống giám sát an ninh hiện đại được giới thiệu. Mỗi một hệ thống đều có những ưu nhược điểm riêng. Hiện nhiều nước sử dụng công nghệ như hàng rào điện tử Mcnamara, khi có động chạm vào hàng rào sẽ có cảm biến, báo về một điểm quan sát nào đó. Một số sân bay áp dụng giám sát bằng camera.
Tôi cho rằng, giám sát an ninh bằng radar với công nghệ tiên tiến có vùng phủ sóng rộng hơn, làm việc được trong mọi điều kiện thời tiết và ánh sáng, hoạch địch được vùng kiểm soát, những khu vực ao hồ hay vùng bị cây che đều có thể hoạch định được hết. Đây là ưu điểm lớn của việc giám sát bằng radar so với hàng rào điện tử hay camera.
Nhược điểm duy nhất của các hệ thống này là tốn kém hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng với an ninh, an toàn thì chúng ta không thể tiếc tiền. Hơn nữa, theo thời gian, các công nghệ này đã rẻ hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Huy Thiêm - Chuyên gia về ITS:
Tích hợp radar và camera giám sát là giải pháp hoàn hảo
Ở nhiều nước Bắc Âu có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như tuyết rơi dày, hay ở nước Anh thường xuyên có sương mù, họ đã áp dụng công nghệ radar trong giám sát quản lý, vận hành các tuyến đường giao thông. Công nghệ radar có rất nhiều ưu thế trong quá trình quét và truyền tín hiệu liên tục. Tín hiệu của radar được quét theo chiều dọc để phát hiện số lượng xe hay các vấn đề xảy ra trên đường.
Nếu so với camera giám sát thì công nghệ radar ít bị điểm mù hơn. Do vậy, tích hợp radar vào hệ thống giao thông thông minh, kết hợp cùng camera sẽ là giải pháp hoàn hảo để tăng cường năng lực giám sát, quản lý giao thông trên đường.
Khi tích hợp radar và camera giám sát sẽ bù trừ điểm yếu, tăng cường sức mạnh của nhau. Bởi, camera trong điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ phát hiện các hành vi trực tiếp trên đường, còn radar lại có ưu thế về ban đêm. Hơn nữa, công nghệ radar sẽ chuẩn hóa luôn dòng xe. Điều này không chỉ phục vụ trong góc độ quan sát giao thông mà còn phục vụ cả việc đánh giá, giám sát lưu lượng.
Đánh giá lưu lượng ở đây được xét dưới hai góc độ, đầu tiên là giám sát chéo hoạt động thu phí xem các ông có thu đúng không, thu đủ không? Thứ hai, hệ thống này sẽ tính toán hiệu quả của nhà đầu tư tuyến đường xem có phải mở rộng thêm làn, thêm tuyến hoặc tăng tốc độ xe chạy hay không.
Tuy vậy, việc có nên đầu tư hệ thống radar vào quản lý vận hành tại các tuyến đường giao thông ở Việt Nam hay không thì cơ quan chức năng cũng nên xem xét giữa chi phí bỏ ra đầu tư và hiệu quả thu được, cùng đó là các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam. Riêng đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, địa hình dọc tuyến rất phức tạp nên khi sử dụng radar sẽ có tính ưu việt, phát huy hiệu quả rất lớn.
Tuy nhiên, đến nay, các dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng, để áp dụng hệ thống radar vào phục vụ công tác quản lý, vận hành cũng phải mất 1 - 2 năm nữa khi các dự án được xây dựng xong và đưa vào khai thác. Do vậy, tôi cho rằng, chúng ta nên thử nghiệm trước tại các dự án cao tốc đang khai thác để đánh giá hiệu quả trước khi đưa công nghệ này vào áp dụng tại các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel:
Hệ thống radar có thể quét và phát hiện từ xa về nhiệt
Theo tôi biết, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay cất hạ cánh là các vật cố định như độ cao của nhà cửa, cây cối. Bên cạnh đó, là các vật thể di động do nhân tạo tạo ra như flycam, ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ, khói đốt đồng. Thứ ba là các yếu tố thiên nhiên như thời tiết, chim trời.
Tuy nhiên, tại các cảng hàng không của Việt Nam, việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng lại được thực hiện thủ công, chủ yếu bằng mắt thường, không có hệ thống cảm biến nhiệt, không có hệ thống camera hiện đại, không có hệ thống radar theo dõi khiến cho quy trình này mất nhiều thời gian, không thể kiểm tra liên tục. Mỗi lần kiểm tra đều phải dừng hoạt động bay.
Điều này gây khó khăn, gián đoạn hoạt động bay ở các sân bay có tần suất hoạt động cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Việt Nam cần có thiết bị công nghệ để phát hiện kịp thời vật ngoại lai, các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tại các sân bay.
Hệ thống radar có thể quét và phát hiện từ xa về nhiệt, các vật cản sắt thép nhưng mới chỉ áp dụng cho quân sự mà chưa được áp dụng trong dân sự. Khi có thiết bị cảm biến nhiệt hoàn toàn có thể phát hiện được từ xa các yếu tố ảnh hưởng giám sát an ninh, an toàn sân bay để tự động phát hiện và tự động cảnh báo vật ngoại lai (FOD).
Hay thiết bị vệ tinh có thể phát hiện được khí hậu bất lợi, các đám cháy, vùng khúc xạ. Bên cạnh đó hệ thống camera hiện đại có thể phát hiện được các vật thể trong vòng 2km, qua đó, giúp tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực hàng không. Đơn cử sân bay Singapore đã áp dụng tương đối hiện đại bằng hệ thống radar phát hiện sớm rủi ro hay sân bay Dubai có tần suất máy bay lên xuống lớn họ đầu tư hệ thống phòng ngừa từ xa rất hiện đại, cảnh báo sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn bay.
Hệ thống thiết bị radar đầu tư có giá thành cao nên cơ quan chức năng cân nhắc về hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa giải pháp kinh tế với đảm bảo an ninh, an toàn, mạng sống của hành khách, tài sản máy bay thì giá trị đầu tư sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận