Giao thông

Tiếp tục triển khai cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

23/08/2017, 18:45

Nhà đầu tư nhận lỗi với Bộ GTVT vì triển khai dự án chậm.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họ

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu xử lý sớm các vướng mắc của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 

Nhà đầu tư nhận lỗi vi phạm hợp đồng

Hôm nay (23/8), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan, nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn để đưa ra giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. 

Thời gian qua, mặc dù Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp tuy nhiên tiến độ dự án triển khai vẫn rất chậm. Thay mặt liên danh nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CPĐT Hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) kiêm thành viên HĐQT Công ty CPĐT cầu đường CII (CII B&R) đã nhận lỗi trước Bộ GTVT về việc để dự án triển khai chậm tiến độ so với yêu cầu. Chia sẻ về giải pháp khắc phục, ông Bình cho biết, liên danh nhà đầu tư đã tổ chức họp để cơ cấu lại công tác tổ chức điều hành và cam kết với Bộ GTVT trong vòng 45 ngày kể từ ngày Bộ GTVT ký thỏa thuận phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư sẽ ký xong hợp đồng tín dụng cho dự án có giá trị đáp ứng yêu cầu (khoảng 8.500 tỷ đồng) và nếu không thu xếp được tín dụng sẽ chấp nhận tịch thu bảo lãnh và chịu các thiệt hại như hợp đồng đã ký.

Tại cuộc họp, đại diện hai ngân hàng Vietinbank và BIDV đều cho rằng dự án có tính khả thi cao, đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính và cam kết sẽ cung cấp nguồn vốn tín dụng cho dự án khi đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng và pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng giám đốc Vietinbank đánh giá cao năng lực và uy tín của nhà đầu tư CII B&R đang điều hành dự án. Theo ông Vinh, sau khi Bộ GTVT điều chỉnh lại quy mô, tổng mức đầu tư dự án từ 14.680 tỷ đồng giảm xuống còn khoảng 9.670 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng phải thu xếp cho dự án chỉ còn khoảng 8.500 tỷ đồng là phù hợp với khả năng của các ngân hàng.

“Sau khi có tổng mức đầu tư và phương án tài chính mới, chúng tôi đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho dự án vay 6.000 tỷ đồng, đồng thời BIDV cũng cam kết đồng tài trợ cho dự án vay 2.500 tỷ đồng. Trước đây, dự án triển khai chậm do lỗi phát sinh từ nội bộ các cổ đông trong doanh nghiệp dự án. Hiện nay, CII B&R đã kiểm soát tốt tại doanh nghiệp dự án và chúng tôi cũng yên tâm, bởi CII B&R là đối tác lớn, khách hàng truyền thống và có nhiều uy tín của Vietinbank”, ông Vinh nói.

Sớm điều chỉnh phụ lục hợp đồng BOT

Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án rất cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế KT-XH của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Phê bình liên danh nhà đầu tư, tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, nếu chấm dứt hợp đồng, người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng do dự án sẽ chậm đưa vào khai thác.

"Quan điểm của Bộ GTVT là tiếp tục thực hiện dự án sau khi đánh giá khả năng thực hiện cam kết của liên danh nhà đầu tư và quan điểm tài trợ vốn từ ngân hàng" - Bộ trưởng nói và cho biết thêm: Bộ GTVT đánh giá đây là dự án rất hiệu quả về tài chính, bởi lưu lượng lớn, dự án đầu tư xây dựng tuyến mới hoàn toàn, áp dụng hình thức thu phí kín và mức giá nằm trong khung quy định hiện hành. Đồng thời, đây cũng là dự án rất có ý nghĩa đối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ trong việc cung cấp nguồn vốn tín dụng.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo Vụ PPP phối hợp cùng nhà đầu tư để rà soát đàm phán lại và có văn bản của Bộ GTVT xác nhận các nội dung sẽ điều chỉnh trong phụ lục hợp đồng dự án.

Sau đó, các ngân hàng tiếp tục thẩm định. Dựa trên văn bản chính thức về việc cam kết tài trợ vốn tín dụng cho dự án , Bộ GTVT sẽ có cơ sở điều chỉnh phụ lục hợp đồng BOT. Cuối cùng, hai ngân hàng Vietinbank và BIDV sẽ tiến hành ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp dự án theo trình tự thực hiện hợp đồng.

“Vụ PPP, nhà đầu tư và ngân hàng cần rà soát lại để thống nhất các công việc cụ thể sẽ triển khai và có báo cáo chính thức để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về tình hình và tiến độ triển khai dự án này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, tổng chiều dài tuyến chính là 51,1 km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với QL30. Mặt cắt ngang 17m, tổng mức đầu tư 9.600 tỷ đồng thực hiện theo hình thức BOT, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 15,9%. 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.