TikTok chưa phản hồi về video mukbang "ăn tươi nuốt sống"
Mukbang (hình thức vừa ăn uống, vừa quay hình) thực phẩm tươi sống phát video trực tuyến TikTok trên nhiều nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam...
Video mukbang thực phẩm sống tràn lan trên TikTok Việt Nam
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, tại Việt Nam, những kênh TikTok như: Tóc vàng hoe, Food hắc ám, Spicy Kim... là những kênh thường xuyên thực hiện các video mukbang thực phẩm tươi sống, thu hút hàng triệu lượt xem. Theo khảo sát, trên kênh TikTok "Tóc vàng hoe", cứ 5 video mukbang đồ ăn tươi sống, có đến 4 video chủ kênh nhắc đến tên sản phẩm đồ uống của các thương hiệu khác nhau như: Pepsi, trà gạo lứt Quê Việt, Coca-Cola...
Đáng nói, việc ăn uống này từng được bác sĩ lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy khó lường về sức khỏe.
Báo Giao thông đã liên hệ với đại diện TikTok tại Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTT&TTĐT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) về những nội dung gây tranh cãi nói trên, song các đơn vị này chưa đưa ra phản hồi.
Video ăn thịt bò sống của chủ kênh Cơm nhà TV
Trước đó, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTT&TTĐT thông tin, sắp tới, Bộ sẽ tiến hành thanh tra toàn diện TikTok trong tháng 5. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam từng cho biết, nền tảng sẽ cập nhật Tiêu chuẩn cộng đồng vào ngày 21/4 "để luôn đảm bảo TikTok là môi trường an toàn, hòa nhập và chào đón mọi người dùng", bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ kiểm duyệt.
Chuyên gia xã hội học nói gì?
Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này, chuyên gia xã hội học - PGS. TS. Trịnh Hòa Bình thừa nhận, bên cạnh những sáng tạo và tiện ích mà TikTok mang lại thì nó vẫn tồn tại những mặt trái khác.
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình
"Tuy nhiên, nền tảng này càng ngày càng cho thấy bất cập trong việc kiểm soát thông tin xấu, độc. Trong khi đó, nhiều người chỉ vì muốn nổi tiếng đã không ngại ngần làm ra những video nhảm nhí, phản cảm, đi ngược với giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của đất nước.
Những video mukbang "ăn tươi nuốt sống" như trên đa số được tạo ra để câu lượt tương tác, tạo sự tò mò chứ không có ý nghĩa tôn vinh hay sáng tạo ẩm thực. Ẩm thực truyền thống với sự sáng tạo đổi mới là không giới hạn, tuy nhiên phải đảm bảo phù hợp với văn hóa và tính dinh dưỡng.
Sở dĩ có sự việc này cũng đến từ nhu cầu nghe, nhìn của khán giả và còn nhiều thương hiệu thuê quảng cáo. Bằng chứng ở việc họ vẫn quảng cáo cho một số nhãn hàng, các video dù tranh cãi vẫn có đến hàng triệu lượt xem. Vậy nên, nếu người dùng mạng xã hội, các cửa hàng tẩy chay, bài trừ nội dung bẩn thì những video xấu, độc cũng khó tồn tại.
Trong bối cảnh TikTok vẫn chưa thể đưa ra được những biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để hoặc hạn chế tối đa những video mang tính độc hại, các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ việc con cái mình sử dụng ứng dụng này.
Trong khi đó, sau khi cơ quan quản lý đã nhắc nhở, khuyến cáo phía TikTok vẫn không có chuyển biến, thay đổi. Có thể đề xuất cấm nền tảng này tại Việt Nam", ông Trịnh Hòa Bình cho hay.
Các nước ứng xử thế nào với trào lưu mukbang?
Ở Trung Quốc, các clip mukbang kiểu "ăn thùng uống vại" trở nên bão hòa. Ăn đồ lạ, từ côn trùng còn sống cho đến động vật bị cấm ăn thịt, đã trở thành một chiêu trò câu view phổ biến của giới TikToker, Vlogger trong những năm gần đây.
Đối mặt thực trạng này, cơ quan quản lý nước này đã bắt đầu hành động quyết liệt. Điển hình, tháng 9/2022, Wang Can, người có hơn 560.000 follower trên nền tảng chia sẻ video Douyin (phiên bản tại Trung Quốc của TikTok), đã bị nền tảng cấm cửa sau khi đăng clip ăn ong bắp cày còn sống.
Wang bị sưng môi đến biến dạng khuôn mặt sau khi quay clip, nhưng tuyên bố rằng hành động dại dột này đã giúp mình có thêm 100.000 khán giả.
Chú thích đoạn video cảnh báo: "Nguy hiểm, đừng bắt chước", nhưng cũng được Wang nhấn mạnh là một thử thách "can đảm", "không sợ hãi". Tài khoản của Wang đã bị Douyin khóa ngay trước khi người dùng chuẩn bị tung clip mới, theo SCMP.
Ảnh cắt từ video mukbang chân gà sống của người Hàn Quốc
Ngay tại chính quê hương Hàn Quốc, trào lưu mukbang cũng thoái trào sau hơn 10 năm xuất hiện. Vụ việc hàng loạt kênh ăn uống nổi tiếng của Hàn Quốc như Boki, Tzuyang và Mbro bị cáo buộc lừa dối người hâm mộ khi không công khai, minh bạch các nội dung quảng cáo từng khiến dư luận "dậy sóng".
Theo Yonhap, những kênh có hàng triệu người theo dõi này đã nhận tiền để quảng cáo cho các hàng thức ăn nhanh, song không hiển thị rõ điều này trong các clip ăn uống của mình.
Làn sóng tẩy chay lớn đến mức cơ quan giám sát thương mại công bằng của Hàn phải đưa ra bộ quy tắc mới dành cho các mukbang nói riêng và những người sáng tạo nội dung trên nền tảng trực tuyến nói chung.
Bộ quy tắc yêu cầu nội dung quảng cáo phải được thể hiện rõ bằng chữ viết, lời nói trong các clip để “ngăn chặn thiệt hại cho người tiêu dùng do quảng cáo lừa đảo”.
Tháng 2/2022, một người đàn ông Trung Quốc đã suýt chết khi bắt chước theo những video ẩm thực của các blogger thường xuyên ăn thịt bò, thịt cừu chưa nấu chín trên TikTok.
Sau khi ăn xong, người này này cảm thấy chóng mặt, liên tục nôn ói. Khi đi khám, bác sĩ phát hiện ký sinh trùng Toxoplasma gondii hay còn gọi là sán Toxoplasma gondii xuất hiện lúc nhúc trong não của người đàn ông, nếu để muộn hơn, có thể phải trả giá cực đắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận