Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Ông Trump bác tin đồn sắp sa thải Bộ trưởng Y tế
Ngày 26/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp bác bỏ tin đồn trên báo chí rằng ông có kế hoạch sa thải Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh (HHS), ông Alex Azar.
Qua tài khoản Twitter, ông Trump khẳng định đây là một tin tức thất thiệt và bộ trưởng Alex Azar đã làm việc một cách xuất sắc.
Trước đó, trong ngày 25/4, báo Wall Street Journal và Politico dẫn nguồn tin rằng chính quyền của ông Trump đang cân nhắc thay thế Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Alex Azar vì những sai lầm khi xử lý đại dịch COVID-19 lúc đầu.
Wall Street Journal dẫn sáu nguồn tin cho rằng sự thất vọng đối vói ông Azar đang gia tăng, nhưng chính quyền lưỡng lự không muốn thực hiện bất cứ thay đổi lớn nào trong khi đất nước đang tìm cách ngăn chặn virus đã làm hơn 53 nghìn người chết ở Mỹ.
Tờ Politico nói rằng danh sách rút gọn các ứng viên có thể được cân nhắc thay thế ông Azar gồm cả bà Deborah Birx, điều phối viên về virus corona chủng mới của Nhà Trắng.
Thực hư thông tin người thử vaccine Covid-19 ở Anh đã tử vong
Một bài báo mạng đăng tải thông tin rằng nhà vi trùng học Elisa Granato (32 tuổi), người tham gia thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 tại Oxford, Anh vào ngày 23/4, đã chết vì biến chứng sau khi được tiêm vaccine.
Ngay lập tức, chính phủ Anh đính chính tin đó là “hoàn toàn sai sự thật” và cảnh báo mọi người không chia sẻ những tin không có căn cứ trên mạng. Sau bài báo về “cái chết”, tiến sĩ Granato đã viết lên Twitter như sau: “Không giống như những gì mà tin tức đó đề cập… Tôi vẫn đang rất khỏe”.
Tiến sĩ Granato là một trong 2 người tham gia thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 và cô cho biết rất hào hứng khi tình nguyện tham gia để nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
“Tin tức lan truyền trên mạng về người đầu tiên thử nghiệm vaccine ở Anh đã tử vong là hoàn toàn sai sự thật. Trước khi chia sẻ thông tin lên trên mạng, bạn nên kiểm tra lại nội dung của nó có đúng sự thật hay không” - tờ Metro trích dẫn bài viết trên Twitter của Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội vào chiều ngày 26/4.
Đầu tháng này, chính phủ Anh đã khởi động lại chiến dịch “Don’t Feed The Beast” để mọi người có thể đặt câu hỏi về những gì mà họ đã đọc được trên mạng.
Nhóm phát triển vaccine ngừa Covid-19 ở Oxford hy vọng sẽ sản xuất được khoảng 1 triệu liều vaccine vào tháng 9.
Trung Quốc, Ấn Độ thuộc nhóm 3 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới
Một nghiên cứu vừa công bố ngày 26/4 cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu trong vòng một thập kỷ qua tăng mạnh nhất trong năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên có hai nước châu Á nằm trong nhóm ba nước có chi tiêu lớn nhất về quân sự.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quốc tế Hòa bình Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu của các nước trên thế giới cho quân sự đạt 1,9 ngàn tỉ USD trong năm 2019.
So với năm 2018, mức chi tiêu này tăng 3,6 %, là tỉ lệ tăng lớn nhất kể từ năm 2010.
Nan Tian, nhà nghiên cứu của SIPRI, nhận xét: "Chi tiêu quân sự đã đạt đến đỉnh cao nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh".
Theo AFP, những quốc gia chi tiêu về quân sự lớn nhất thế giới đã thúc đẩy sự gia tăng này trong năm qua, đứng đầu là Mỹ, nước đã chi 732 tỉ USD cho quân sự năm 2019, tăng 5,3%. Chỉ riêng Mỹ chiếm đến 38% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Mỹ tăng chi tiêu cho quân sự trong khi trước đó, nước này có 7 năm liền giảm khoản chi này.
Năm 2019 cũng là lần đầu tiên hai nước châu Á nằm trong nhóm 3 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ với số tiền và tỉ lệ tăng mức chi tiêu lần lượt là 261 tỉ USD (tăng 5,1%) và 71,1 tỉ USD (tăng 6,8 %).
Trong nhóm 5 quốc gia có chi tiêu lớn nhất về quân sự trên thế giới ngoài 3 nước kể trên còn có Nga và Saudi Arabia. Năm nước chi tiêu quân sự hàng đầu chiếm hơn 60% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Hàn Quốc bác tin ông Kim Jong-un lâm bệnh nặng
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News ngày 26/4, ông Chung-in Moon, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Moon Jae-in, nói: "Quan điểm của chính phủ Hàn Quốc rất vững vàng. Ông Kim Jong-un vẫn còn sống và khỏe mạnh. Ông ấy ở lại Wonsan từ hôm 13/4. Đến nay, chúng tôi không phát hiện bất cứ hoạt động khả nghi nào".
Bình luận của ông Chung-in Moon đưa ra sau khi tổ chức chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Mỹ, 38 North, dẫn các ảnh chụp vệ tinh nói rằng đoàn tàu đặc biệt được cho là của ông Kim Jong-un xuất hiện ở khu nghỉ dưỡng tại Wonsan, miền đông Triều Tiên giữa tin đồn “ở ẩn dưỡng bệnh”.
Theo 38 North, các ảnh vệ tinh cho thấy, đoàn tàu này chưa xuất hiện tại đây vào hôm 15/4, nhưng đã xuất hiện khoảng trước ngày 21/4 cho đến ngày 23/4. Đến ngày 23/4, đoàn tàu “dường như di chuyển để rời đi”.
Hãng tin Daily NK đầu tuần trước đưa tin, ông Kim dường như đang nghỉ tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang ở tỉnh Hyangsan sau phẫu thuật tim hôm 12/4. Trong khi CNN dẫn các nguồn tin nói rằng tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên “nghiêm trọng”, giới chức Hàn Quốc nhiều lần lên tiếng bác bỏ.
Italy thả trùm mafia nhằm ngăn Covid-19
Italia đã thả một số trùm mafia khét tiếng trong nỗ lực ngăn Covid-19 lây lan ở các nhà tù, động thái nhận phải nhiều ý kiến trái chiều.
Chính quyền Italy ủy quyền cho các thẩm phán chuyển những tù nhân đang phải thụ án ít hơn 18 tháng sang quản thúc tại gia. Những cái tên nổi bật nhất được thả gồm Francesco Bonura, ông trùm nhóm mafia Cosa Nostra ở Sicily, Vincenzo Iannazzo, thành viên nhóm Ndrangheta, và Pasquale Zagaria thuộc nhóm Casalesi, theo Federico Cafiero De Raho, công tố viên chống mafia Italy.
Cafiero De Raho cho hay ba tên tội phạm kể trên đã được áp dụng "các biện pháp cách ly bổ sung" để ngăn chúng tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài nhà tù. "Khi chuyển chúng về nhà, rõ ràng là những biện pháp này sẽ không còn được thực hiện nữa", ông nói.
Quyết định thả các trùm mafia đã nhận về hàng loạt ý kiến chỉ trích tại Italy. "Thật điên rồ", Matteo Salvini, lãnh đạo đảng đối lập Lega, nói trong một video đăng trên Facebook. "Đây là hành động thiếu tôn trọng đối với người dân, quan tòa, nhà báo, cảnh sát và những nạn nhân của mafia".
Bộ trưởng Tư pháp Alfonso Bonafede cho hay quyết định thả tù nhân được các thẩm phán đưa ra độc lập nhưng chính quyền đang xem xét lại đề xuất trên kết hợp cân nhắc những ý kiến từ bộ phận chống mafia quốc gia để đưa ra kết luận cuối cùng.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ do Covid-19 dự báo tới 16%
Số người chết hàng ngày vì Covid-19 ở bang New York trong công bố ngày 26/4 là 367 ca tử vong, thấp hơn rõ rệt so với 437 ca tử vong công bố ngày 25/4.
Thống đốc Andrew Cuomo cho biết, một số khu vực trong tiểu bang có thể đủ điều kiện mở sớm hơn, với một số biện pháp phòng ngừa nhất định, chẳng hạn như ở ngoại ô New York.
Nhiều tiểu bang ở Mỹ, trong đó có Colorado, Mississippi, Minnesota, Montana và Tennessee sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa ngăn ngừa Covid-19 trong bối cảnh các nhà kinh tế dự đoán tỉ lệ thất nghiệp là 16% hoặc cao hơn trong tháng 4.
Trước đó, các bang Georgia, Oklahoma, Alaska và South Carolina đã có các động thái để khởi động lại nền kinh tế sau một tháng đóng cửa. Kỷ lục 26,5 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3 tới nay.
Thủ tướng Anh trở lại làm việc
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trở lại Phố Downing tối 26/4, lần đầu tiên kể từ khi ông được đưa nhập viện vì mắc Covid-19 hôm 6/4. Thủ tướng 55 tuổi đã có 3 đêm tại phòng điều trị đặc biệt và được xuất viện vào ngày 12/4.
Sau khi xuất viện, ông dành thời gian tự hồi phục ở Checkers - nơi nghỉ ngơi chính thức của Thủ tướng Anh ở Buckinghamshire và dự kiến trở lại làm việc vào hôm nay (27/4).
Ông Johnson quay lại làm việc trong bối cảnh áp lực gia tăng lên chính phủ trên nhiều mặt trận của cuộc chiến chống virus corona.
Số liệu Bộ Y tế công bố ngày25/4 cho thấy có thêm 813 người chết trong bệnh viện vì Covid-19 trong ngày 25/4, nâng tổng số ca tử vong vì bệnh này của nước Anh lên 20.319.
Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel gọi đây là “khoảnh khắc rất bi thảm và đau lòng”.
Thêm nhiều bang ở Mỹ bắt đầu dỡ phong tỏa
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự tấn công của virus corona chủng mới, với tổng số ca nhiễm (985.062 người) và số trường hợp tử vong (55.357 người) tính đến sáng 27/4 đều cao nhất thế giới.
Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 24.000 ca nhiễm mới Covid-19 cùng 1.101 trường hợp tử vong vì dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm đã giảm đáng kể ở nhiều "điểm nóng" về dịch, kể cả tâm chấn New York.
Hơn 90% dân số Mỹ từng phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa bắt buộc cùng lúc để dập dịch. Song, một số bang đã bắt đầu dỡ bỏ các sắc lệnh trên từ cuối tuần trước. Theo AP, các bang Georgia, Oklahoma, Alaska và Nam Carolina đã cho phép một số doanh nghiệp tái mở cửa.
Tại bang Montana, các nhà thờ bắt đầu khôi phục hoạt động từ ngày 26/4, trong khi các nhà hàng và trường học dự kiến sẽ tái mở cửa vào ngày 7/5. Thống đốc bang Colorado thông báo, các xe bán lẻ ven đường có thể hoạt động trở lại từ đầu tuần này, nhưng các tiệm cắt tóc, quán xăm sẽ tái mở cửa muộn hơn vào ngày 1/5.
Bang Tennessee cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại vào ngày 27/4, cùng thời điểm lệnh phong tỏa bắt buộc ở bangMississippi hết hiệu lực.
Tuy nhiên, các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch New York và Michigan tuyên bố sẽ duy trì sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà để phòng chống Covid-19 tới ít nhất giữa tháng 5.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận