Rủi ro là có
Không quân Mỹ đang tạo ra rủi ro cho các chuyến bay chở khách trên Biển Đông với các nhiệm vụ trinh sát áp sát gần bờ biển Trung Quốc, một nguồn tin quân sự và giới quan sát Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo như vậy, theo phản ánh của báo SCMP.
Theo SCMP, một nguồn tin thân cận với Quân đội Giải phóng Nhân dân nói với trang báo này rằng, hiện quân đội Mỹ có một số loại máy bay do thám được phát triển trên nền tảng máy bay thương mại và chúng thường bay sau các chuyến bay hàng không dân dụng như một vỏ bọc khi tiếp cận không phận dọc bờ biển Trung Quốc (kể cả những nơi Trung Quốc triển khai lực lượng đóng quân, đồn trú trái phép ở Quần đảo Hoàng Sa và một số khu vực ở Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông – PV).
Mỹ được cho là đã tăng cường các hoạt động do thám gần bờ biển phía nam Trung Quốc trong những tuần gần đây, đặc biệt là các hoạt động diễn ra vào ban đêm của máy bay E-8C vào ngày 5 tháng 8, khiến Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bắt đầu cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với người đồng cấp Mỹ Mark Esper.
Nguồn tin cho biết máy bay do thám thuộc hệ thống Joint Surveillance Target Attack Radar System E-8C được hệ thống radar kiểm soát trên không ở tỉnh Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc xác định ban đầu là một máy bay thương mại, bay ở độ cao hơn 9.000 mét (29.500 feet) trên Biển Đông.
Nguồn tin này cho biết, chỉ khi chiếc E-8C của Mỹ bay đến gần thủ phủ tỉnh Quảng Đông, chiếc máy bay này mới được xác định là máy bay quân sự của Mỹ, do tính nhạy cảm của tình hình.
“Có thể gây ra các tai nạn (ngăn chặn, bắn nhầm) hoặc đánh giá sai trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ”, nguồn tin cho biết.
“Sử dụng máy bay dân dụng làm vỏ bọc là hoạt động phổ biến của người Mỹ và đồng minh thân cận của họ là Israel. Nhưng Biển Đông là một trong những không gian quốc tế bận rộn nhất thế giới, điều này có thể khiến máy bay dân dụng gặp rủi ro ”. – nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cảnh báo.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết nhiều lực lượng hải quân và không quân đã sử dụng chiến thuật tạo “vỏ bọc” cho các hoạt động quân sự của họ, điều này có thể gây ra các vấn đề an toàn cho các hãng hàng không và tàu thuyền dân sự nếu các lực lượng quân sự (phòng không) trên mặt đất không được xác nhận lại qua phản hồi.
“Chiến tranh là lúc thường xảy ra các thủ đoạn đánh lừa. Đã có một số tai nạn xảy ra khi các đơn vị phòng thủ tên lửa trên mặt đất không xác định được chính xác loại máy bay xâm nhập ”, ông Lu nói.
Đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra
Vào ngày 7 tháng 1 năm nay, một máy bay chở khách Boeing 737 của Ukraine đã bị lực lượng Iran bắn hạ ngay sau khi cất cánh từ Tehran, khiến toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Iran cho biết máy bay đã bị nhầm với "mục tiêu thù địch" trong một trường hợp do "lỗi của con người".
Một vụ tai nạn tương tự đã xảy ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1983 khi một chiếc Boeing 747 của Korean Air Lines bị một máy bay đánh chặn Su-15 của Liên Xô bắn rơi trên đường từ New York đến Seoul.
Tất cả 269 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng trong vụ việc xảy ra vì lực lượng không quân Liên Xô đã coi và phản ứng với chiếc máy bay là “một máy bay do thám của Mỹ xâm nhập”.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Singapore, cho biết tất cả các bộ phận kiểm soát không lưu quân sự và dân sự trên toàn thế giới đều sử dụng tín hiệu "nhận dạng địch – thủ" (IFF) dựa trên radar để xác minh máy bay và các vấn đề an toàn. sẽ không đáng lo ngại nếu máy bay quân sự giữ khoảng cách an toàn với các chuyến bay dân sự.
Ông Koh nói thêm rằng: “Vì bản thân E-8C cũng là một máy bay lớn, phi hành đoàn sẽ quan tâm đến vấn đề an toàn, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ của họ”.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping có trụ sở tại Hồng Kông cho biết việc sử dụng khung máy bay hàng không dân dụng làm thân nền cho máy bay trinh sát quân sự không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ do thám.
“May mắn thay, hầu hết tất cả các phi cơ trinh sát được cải tiến từ máy bay chở khách lớn đều không mang theo vũ khí, nhưng chúng sẽ thu thập thông tin quân sự có giá trị có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp cho quân đội Trung Quốc,” ông Song nói.
“Hoạt động ban đêm do máy bay Mỹ tiến hành ở Biển Đông nhằm theo dõi các hoạt động triển khai vũ khí và binh lính gần đây của PLA, vì Hoa Kỳ cho rằng các hoạt động huy động quân sự thường được bố trí vào ban đêm”.
Hạm đội 7 không lên tiếng
Máy bay E-8C là một trong những phương tiện nền tảng chính của Không quân Hoa Kỳ để quản lý nhiệm vụ chiến đấu và theo dõi các mục tiêu mặt đất. E-8c sử dụng khung máy bay thương mại 707-200 đã được sửa đổi để lắp đặt các phương tiện trinh sát.
Các máy bay do thám khác của quân đội Mỹ được báo cáo xuất hiện thường xuyên ở Biển Đông trong hai tháng qua bao gồm RC-135, cũng được chế tạo dựa trên khung máy bay dòng Boeing và EP-3E.
Năm 2001, một phi công của Không quân Trung Quốc thiệt mạng khi máy bay chiến đấu J-8II do người này điều khiển va chạm với một máy bay EP-3E của Mỹ đang tiến hành trinh sát tầm gần gần tỉnh đảo Hải Nam, cực nam của đại lục Trung Quốc.
Nguồn tin quân sự cho biết, để ngăn ngừa các tai nạn trong tương lai, quân đội Trung Quốc đã yêu cầu đối tác Mỹ thiết lập một cơ chế liên lạc tương tự như cơ chế liên lạc giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã áp dụng bao gồm liên lạc qua nhiều cấp chỉ huy.
Hạm đội 7 của Mỹ từ chối bình luận về hoạt động ban đêm của phi cơ E-8C bởi họ cho rằng máy bay này không phải của Hải quân Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận