Một cảnh trong vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ trên sân khấu nước chùa Thầy |
Đến với “Tinh hoa Bắc bộ” vì 51 căn nhà chống lũ, được tài trợ bằng hơn 2 tỷ đồng bán vé của chương trình biểu diễn đêm qua, tôi ra về trong ngập tràn xúc cảm.
Nhà chống lũ là chương trình của những tấm lòng thiện nguyện, không hình thức, cẩn trọng và dài hơi giúp người dân dựng đời mới, thoát cảnh chạy lũ mỗi khi thiên nhiên cuồng nộ.
Mua vé đi xem vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” để ủng hộ thiện tâm ấy, tôi lại gặp được điều tuyệt đẹp - một sản phẩm nghệ thuật hiếm có về văn hóa Bắc bộ.
Nếu bạn sinh ra ở một vùng quê nào đó ở miền Bắc, vở diễn chắc sẽ làm bạn nhớ quê mình lắm!
Nếu bạn là người Hà Nội, vở diễn chắc sẽ gợi lại cho bạn một ký ức nào đó, dù thật mong manh, về một trải nghiệm đã xa.
Nếu bạn là khách du lịch ngoại quốc tò mò về nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, vở diễn sẽ là một bức tranh giới thiệu đầy mê hoặc.
Còn tôi, tôi nhớ về người thày giáo già dạy mình nét chữ đầu tiên khi sơ tán ở một làng quê nghèo xơ xác gần Phú Xuyên, nơi lần đầu tiên thấy nông dân tuốt lúa, phơi rạ. Nhớ về lần sơ tán năm 1972 ở Hoài Đức, trẻ con say sưa chơi trốn tìm mỗi đêm trăng cứ như chiến tranh chưa hề hiện diện.
Nhớ một buổi chiều chủ nhật đi xe buýt một mình về lại nơi sơ tán để gặp người bạn lớp 3 mà đâu ngờ bạn mất vì bom một tuần sau đó.
Nhớ những gia đình nông thôn chất phác, sẵn lòng dang tay đón nhận những đứa trẻ thành thị, cho ăn, cho ngủ mà chẳng mảy may tính toán, mà lâu quá không gặp lại (hay đã quá hờ hững để gặp lại!?).
Nhớ những chuyến đi chùa Thầy, gò lưng trên xe đạp của tuổi mới lớn đầy khát khao. Nhớ những đêm sơ tán sợ ma, nhớ cả vị khai khai, nồng nồng mỗi sáng của vườn cải sau khu tập thể vừa được lũ trẻ tè bậy tưới đêm qua.
Nhớ cả trò nu na nu nống, những chuyện xưa mà nếu không được nhắc lại, tưởng chừng như đã quên.
Sao tôi lại nhớ? Vì âm nhạc, vì lời hát, vì không khí se lạnh của đêm đông nông thôn miền Bắc, vì câu chuyện kể, hay vì nụ cười chất phác và ánh mắt rạng ngời của cụ già 85 tuổi, của em bé cưỡi trâu, của hơn trăm diễn viên nông dân Sài Sơn, chùa Thầy.
Tôi chỉ thấy họ như đang được sống và mơ giấc mơ cuộc đời mình. Họ nhắc tôi nhớ lại mình thời bé xíu, trốn dưới gầm bàn, để mơ và để ước, như họ đêm nay. Hôm nay, tôi mơ lại những giấc mơ của đời mình, thấy thương và cảm ơn cuộc đời này. Cám ơn “Tinh hoa Bắc bộ” và những tấm lòng gan ruột tạo ra nó!
Hy vọng Tinh hoa Bắc bộ ngày càng lan tỏa, nuôi được tình yêu của những người nông dân Sài Sơn hóa thân thành nghệ sỹ, nuôi được cả ước mơ về những sản phẩm văn hóa - du lịch sâu lắng, đáng tự hào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận