Xã hội

Tình người ở “xóm ung thư” giữa mùa dịch

19/05/2021, 10:30

Ngày Bệnh viện K cơ sở Tân Triều thành “ổ dịch” Covid-19, nhiều bệnh nhân ung thư đành ở lại xóm trọ nương tựa nhau, chờ ngày được điều trị tiếp

img

Một nhóm mạnh thường quân cung cấp thực phẩm cho xóm ung thư - đối diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

Ngày Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) trở thành “ổ dịch” Covid-19 phải phong tỏa, nhiều bệnh nhân ung thư đành ở lại xóm trọ nương tựa nhau, chờ ngày được điều trị tiếp...

Những thân phận hẩm hiu

Bệnh viện K phong tỏa sáng 7/5 để phòng dịch Covid-19 cũng là thời điểm chị Trần Thị Năm (quê Nam Định) có lịch nhập viện xạ trị mũi 4. Chị Năm nhớ lại: “Hôm đó tôi đến sớm, chuẩn bị vào bệnh viện xạ trị thì nhận thông tin bệnh viện phong tỏa. Vậy là phác đồ điều trị tạm phải ngưng, chưa biết khi nào tiếp tục”.

Nhập viện từ giữa tháng 3 vì mắc ung thư phế quản, đã có lúc chị Năm nhận y lệnh phẫu thuật ở khoa Ngoại, nhưng sau nhiều cân nhắc và thăm khám, chị được bác sĩ xác định có u ác kích thước lớn nên chuyển sang xạ trị. “Bác sĩ nói phải xạ trị và hóa chất cho khối u teo đi rồi mới có phác đồ điều trị tiếp…”, chị Năm cho hay.

Theo phác đồ điều trị, chị Năm cần xạ 34 mũi trong vòng 6 tuần, trong điều kiện máy móc không hỏng; đồng thời, kết hợp truyền hóa chất. Tuy nhiên, mới hết mũi xạ thứ 3 thì dịch bệnh ùa đến, khiến việc điều trị dừng lại.

Gia đình neo người, chồng chị Năm mất cách đây 6 năm vì ung thư thực quản khi chị vừa kịp sinh đứa con duy nhất. Sau ngày chồng mất, mẹ con chị lại ôm nhau về nương tựa ở nhà bà ngoại rau cháo qua ngày. Rồi tới ngày biết tin bản thân mắc ung thư phế quản, chị Năm đành gửi con nhỏ cho mẹ già, một mình đi hết viện này sang viện khác thăm khám, điều trị.

Chia sẻ về lý do ở lại Hà Nội chờ ngày Bệnh viện K mở cửa trở lại, chị Năm bảo: “Bác sĩ cũng hỏi có muốn về quê không, sẽ kết nối với y tế địa phương hỗ trợ điều trị nhưng vì Nam Định hiện chưa có cơ sở xạ trị, chưa kể nhỡ đâu khi về lại trở thành nguồn lây bệnh cho mẹ già, con nhỏ và làng xóm nên tôi quyết định ở lại”.

Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Ven (quê Hàm Yên, Tuyên Quang), cũng quyết định không về quê mà ở lại “xóm trọ ung thư”, đối diện Bệnh viện K Tân Triều. Ông Ven chia sẻ, mình mắc ung thư thực quản và đang trong giai đoạn di căn.

Suốt hơn một tháng qua, hai vợ chồng ông “chạy” hết từ khoa này sang khoa khác để làm xét nghiệm, chụp CT cùng nhiều chỉ định khác. Ngày ông nhận thông báo của bác sĩ yêu cầu chuyển xuống khoa Xạ để nhận phác đồ điều trị cũng đúng ngày bệnh viện bị phong tỏa.

“Vậy là tôi chưa biết mình sẽ được bác sĩ cho phác đồ điều trị ra sao, chỉ lo khối u ngày một phát triển. Nhưng tình thế này buộc phải chấp nhận thôi”, ông Ven cho biết.

Ở cùng khu với ông Ven có anh Mường Văn Liên (quê Điện Biên) có vợ đang cách ly điều trị áp xe vú tại Bệnh viện K Tân Triều. Liên cho hay: “Em thuê phòng ở đây để chạy đi chạy lại cho tiện nhưng chưa kịp vào với vợ thì bệnh viện phải phong tỏa. Vợ em điều trị được 20 ngày rồi, sắp khỏi, nhưng thế này thì có khỏi cũng chẳng được về với con”.

Theo anh Liên, đứa con nhỏ mới đầy tháng tuổi hiện đang gửi ông bà nội trông giúp, vì vợ chồng Liên mỗi người bị cách ly một nơi.

Ấm tình nơi xóm trọ

img

Những suất cơm miễn phí được trao đếntận tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở xóm ung thư. Ảnh: Tạ Hải

Dù một thân một mình ở lại Hà Nội nhưng giọng chị Năm vẫn có phần tươi vui.

“Dù cách ly, không được ra ngoài nhưng lương thực, thực phẩm không phải lo lắng chút nào cả vì có mạnh thường quân giúp đỡ. Khi thì cân gạo, lúc lại gói mì, mắm muối đủ cả. Bác chủ nhà trọ Nhân đạo nơi tôi ở cũng thường xuyên động viên, vừa chu đáo cung cấp mọi thứ, đến cả vật dụng sinh hoạt hàng ngày cứ thiếu là được bác ấy lo giúp”, chị kể.

Bệnh viện đã cùng Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng hỗ trợ kịp thời cho hàng trăm người bệnh và người nhà của họ đang tá túc tại xóm trọ gần Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp và cơ sở Tân Triều.

Bên cạnh đó, cử các cán bộ y tế được đến theo dõi, chăm sóc người bệnh ung thư tại khu cách ly tập trung và thường xuyên liên lạc để nắm bắt, hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư.
TS. BS. Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K


Ông Ven cũng cho hay: “Vợ chồng tôi thuê trọ ở đây với giá 110 nghìn đồng/ngày đêm, nhưng dịch bệnh thế này, anh chủ nhà giảm luôn 50% để hỗ trợ chúng tôi. Ăn uống thì không phải lo nên yên tâm đợi ngày bệnh viện mở cửa, vào điều trị tiếp”.

Anh Đinh Văn Thể, chủ nhà trọ mang tên Nhân đạo (số nhà 72, ngõ 93, tập thể Học viện Quân y, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Khu nhà trọ của gia đình đang có 7 người là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thuê.

Không chỉ trong mùa dịch, lúc nào ở đây cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các bệnh nhân. Họ thiếu gì cứ gọi, tôi sẽ cố gắng trong điều kiện cho phép để đời sống của họ bớt vất vả.

Hơn nữa, ngoài kia còn rất nhiều mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ nên sinh hoạt của người bệnh cũng không khó khăn gì nhiều. Chúng tôi chỉ lo việc điều trị ngắt quãng, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ mà thôi”.

Chứng kiến những khó khăn mà mà người bệnh và người nhà bệnh nhân gặp phải trong những ngày cách ly vì dịch bệnh Covid-19, chị Đới Mai Xuyên, chủ quán cơm tại 171 Kiến Hưng đã nấu hàng trăm suất cơm phục vụ miễn phí cho người dân tại xóm ung thư đối diện Bệnh viện K.

“Bệnh viện phong tỏa, họ không thể tiếp tục điều trị mà phải chờ đợi và chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật. Tôi phục vụ cơm miễn phí xem như cổ vũ tinh thần cho mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Xuyên chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.