Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo về tình hình triển khai thí điểm dịch vụ tàu lặn chở khách tại Vịnh Nha Trang.
Theo Bộ GTVT, việc thí điểm dịch vụ tàu lặn được thực hiện trong 2 đợt. Đợt 1 (từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2023) đã đào tạo được 5 thuyền viên tàu lặn.
Trong đó, bao gồm 3 thuyền trưởng tàu lặn, 2 thuyền phó tàu lặn như quy định tại Giấy chứng nhận Định biên an toàn tối thiểu tàu lặn.
Quá trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên tàu lặn Deepview, Công ty Cổ phần Vinpearl đã thực hiện theo kế hoạch và chương trình đào tạo do nhà sản xuất Triton Submarine LLC xây dựng và do các chuyên gia của nhà sản xuất trực tiếp hướng dẫn, đào tạo thuyền viên.
Qua quá trình đào tạo, nhà sản xuất đã cấp chứng chỉ cho 5 thuyền viên. Ngoài ra, còn đào tạo và cấp chứng chỉ cho 2 kỹ thuật viên tàu lặn.
Thời gian hoạt động thí điểm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Công ty Cổ phần Vinpearl mới bắt đầu đón khách du lịch du lịch từ ngày 30/4/2022.
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, đến nay, công ty đã thực hiện được 159 chuyến với 2.555 lượt khách. Các chuyến lặn chở khách đều được thực hiện an toàn, không có sự cố phát sinh.
Thí điểm đợt 2 bắt đầu từ ngày 16/7/2023 đến nay. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Vinpearl đã dừng tổ chức hoạt động lặn để thực hiện bảo dưỡng định kỳ tàu lặn. Đồng thời, làm việc với các cấp có thẩm quyền để được gia hạn các Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm tàu lặn, các phương tiện hỗ trợ liên quan, bến phao neo.
Hoạt động lặn được thực hiện khi điều kiện về an toàn kỹ thuật, khí tượng thủy văn, nhân lực, vật lực... phù hợp.
"Quá trình triển khai hoạt động thí điểm, do yếu tố bất khả kháng của đại dịch Covid-19 và đặc trưng thời tiết thay đổi khó dự báo nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và thời gian khai thác thực tế. Do vậy, hoạt động lặn chưa đủ thời gian để có thể đánh giá toàn diện công tác an toàn, đào tạo thuyền viên, tìm kiếm cứu nạn…", Bộ GTVT thông tin.
Bộ Giao thông vận tải đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Cổ phần Vinpearl tiếp tục thí điểm hoạt động lặn đến 1/3/2025, để tiếp tục đánh giá việc thí điểm triển khai hoạt động dịch vụ tàu lặn tại Vịnh Nha Trang và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ sau đó đã gia hạn thời gian thí điểm hoạt động dịch vụ tàu lặn đến hết tháng 7/2024.
Cùng đó, yêu cầu Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết hoạt động thí điểm dịch vụ tàu lặn tại Vịnh Nha Trang, rà soát nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động dịch vụ tàu lặn, hoàn thành trong tháng 7/2024.
Theo Bộ GTVT, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tàu lặn du lịch nên việc áp dụng các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ năng chuyên môn để kiểm tra việc duy trì tình trạng an toàn của tàu lặn gặp khó khăn.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản dưới luật mới có quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu lặn. Chưa có các quy định về thuyền viên và quản lý khai thác tàu lặn. Do đó, Bộ GTVT cho rằng việc xây dựng các quy định pháp luật về tàu lặn là cần thiết để trước khi kết thúc gia hạn thí điểm đợt 2 (tháng 7/2024) tàu lặn có thể được đưa vào khai thác vận hành.
Ngoài ra, công tác quản lý hoạt động tàu lặn cần có quy định pháp luật điều chỉnh sau 2 đợt triển khai thí điểm. Quá trình triển khai thực hiện, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt là vai trò của Bộ Quốc phòng trong tổ chức điều tra tai nạn, sự cố đối với tàu lặn.
Vì vậy, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017, trong đó có đề nghị xây dựng nội dung quản lý hoạt động tàu lặn. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được Bộ GTVT lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan để hoàn thiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận