Tọa đàm "Ứng xử thế nào với cầu Long Biên?" được tổ chức tại trường quay ảo, được phát trực tiếp trên fanpage Báo Giao thông và Báo Giao thông điện tử.
Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng của đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Không chỉ phục vụ thời chiến, bước vào thời bình, cầu Long Biên vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh là trục giao thông huyết mạch giao thương kinh tế, kết nối những chuyến tàu vui và tạo thuận lợi cho người dân đi lại, ngay cả khi sông Hồng đã có thêm nhiều cây cầu mới bắc qua, to đẹp hơn, hiện đại hơn.
Cầu Long Biên: Phá dễ, xây lại khó, sửa chữa cần nhiều tiền
Trải qua 120 năm, giờ đây, thời gian qua cầu Long Biên lại được nhìn nhận như một “chiếc áo vá”, cũ kỹ, xuống cấp. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp đến ATGT.
Những sự cố xảy ra đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải sớm có một cuộc “đại phẫu” cầu Long Biên, không thể kéo dài tình trạng “chắp vá” như hiện nay.
Tại tọa đàm, các khách mời tham gia thảo luận giá trị văn hoá, lịch sử của cây cầu, vai trò của cầu Long Biên trong quy hoạch mạng lưới giao thông, kết nối giao thông của Hà Nội.
Các khách mời cũng sẽ thảo luận việc có nên tiếp tục đặt “trên vai” cầu Long Biên một áp lực lớn về giao thông như hiện nay hay cần phải có giải pháp thay thế, tiến tới phục dựng cầu Long Biên trở thành một “bảo tàng sống” lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử...
Khách mời tham dự tọa đàm:
1. Ông Dương Trung Quốc - Nhà sử học, nguyên Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV
2. Ông Bùi Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ KCHTGT Bộ GTVT
3. Ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Sở GTVT Hà Nội
4. Ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận