Chủ trương sáng suốt của Đảng và dấu ấn người đứng đầu
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người từng có nhiều năm tham gia Tổ văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc cho biết, trong các nhiệm kỳ gần đây, hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia đã được khánh thành và đưa vào khai thác.
Điều đó không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn làm thay đổi diện mạo đất nước. Điều này mở ra cơ hội phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ đó, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay".
"Kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Túc khẳng định.
Ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT - người có thời gian dài gắn bó với ngành chia sẻ, cá nhân ông cảm nhận rất rõ về dấu ấn của Tổng Bí thư đối với sự phát triển của ngành GTVT: "Những quyết sách là của tập thể, nhưng dấu ấn cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất lớn".
Theo ông Đức, ngay từ giai đoạn 2006 - 2010, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, những dự án giao thông lớn rất được quan tâm, đầu tư. Ở phía Nam là tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước TP.HCM – Trung Lương (đầu tư năm 2006, hoàn thành 2010). Ở phía Bắc là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng… Về hàng không, giai đoạn này thực hiện nâng cấp nhà ga T1 sân bay Nội Bài, xây dựng nhà ga T2 sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo quy định thời điểm đó, dự án trên 5.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nếu không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội, các dự án khó có thể triển khai.
"Hay như ở Hà Nội, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy, các dự án giao thông quan trọng như Vành đai 2, Vành đai 3 đã được đầu tư và hiện nay đang triển khai Vành đai 4. Điều này thể hiện tầm nhìn rất xa của đồng chí trong việc đầu tư hạ tầng giao thông", ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ GTVT, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
"Có được kết quả này, trước hết là nhờ đường lối đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước", ông Đông nói.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT:
Đột phá xây dựng hạ tầng giao thông
Các mục tiêu phát triển được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển hạ tầng cơ sở là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, Nghị quyết XIII đã xác định rõ mục tiêu phải thực hiện, cụ thể đến từng dự án, công trình, số km cao tốc. Đây chính là động lực để kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
"Nghị quyết XIII nêu cụ thể: Phát triển đường bộ cao tốc và xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến 2030 hoàn thành 5.000km trên cả nước; Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, làm công tác chuẩn bị với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có thể khởi công trước năm 2030; Năm 2025, đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác…
Từ định hướng này, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều ban hành chương trình hành động để triển khai, xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể. Quan trọng nhất là tập trung bố trí được nguồn lực để thực hiện, "trên dưới một lòng", "dọc ngang thông suốt" như lời Tổng Bí thư căn dặn.
Quán triệt chỉ đạo Tổng Bí thư và tinh thần luôn nỗ lực vượt khó của Thủ tướng Chính phủ, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", ngành Giao thông đã xác định rất rõ nhiệm vụ chính trị, ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết XIII, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.
Toàn ngành nỗ lực tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...
Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác.
Đặc biệt, việc đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc được thực hiện từ những năm 2000. Cho đến năm 2020, tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước mới đạt khoảng 1.163km. Nhưng chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 đến nay, chiều dài đường bộ cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác trên cả nước đạt 857km, đưa mục tiêu cả nước có 3.000km vào năm 2025 rất gần hiện thực.
Đây là một kết quả đáng khích lệ, cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành đã tạo ra những bước tiến vượt bậc trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Tầm nhìn chiến lược qua mỗi kỳ Đại hội
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc như hiện nay thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, ngành GTVT dưới sự chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Kiên cho rằng, để có được cơ sở hạ tầng giao thông như ngày hôm nay chính là nhờ ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định, một trong những đột phá để phát triển đất nước là xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Và đến Đại hội XII, XIII, các Nghị quyết tiếp tục kế thừa nội dung này cụ thể hơn.
Nhiệm kỳ Đại hội này, trong chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư đã đưa vào chuyên đề về phát triển cơ sở hạ tầng. Từ đây, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 12 về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bao gồm hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, dầu khí…
Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định 15 để triển khai thực hiện. Điểm đột phá của Nghị quyết 12 về cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải chính là cải tạo lại toàn bộ hệ thống Quốc lộ 1 dọc trục Bắc - Nam và bắt đầu nghiên cứu, triển khai tuyến đường bộ cao tốc.
"Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, chúng ta huy động được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế khác đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông.
Qua mỗi kỳ đại hội, dựa vào tiềm lực kinh tế của từng thời điểm, chúng ta biết mình biết người, chọn được vấn đề mấu chốt để khi đầu tư tạo được hiệu quả. Những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi hay ví von, những đột phá này là cú hích để "cỗ xe kinh tế" có đà phát triển", ông Kiên chia sẻ.
Hạ tầng giao thông - điểm tựa cho phát triển
PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN nhìn nhận, với sự quan tâm, định hướng cụ thể của Đảng, 15 năm qua, hạ tầng giao thông lột xác mạnh mẽ.
Dấu ấn phải kể đến là sự đột phá hạ tầng giao thông sau Đại hội XIII. Trong 3 năm gần đây, chúng ta đã có hơn 800km cao tốc góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối các vùng trung tâm đô thị, phát triển kinh tế.
Theo ông Ngô Thịnh Đức, trong gần ba nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với ngành GTVT càng rõ hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Ở lĩnh vực hàng hải, phía Bắc có cảng Tân Vũ - Lạch Huyện được đầu tư, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hải Phòng và các tỉnh khu vực phía Bắc. Miền Nam có cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Ở miền Trung là cảng Dung Quất, Vũng Áng…
Với lĩnh vực đường bộ, dự án cao tốc phía Đông qua hai nhiệm kỳ vừa qua đã được triển khai rất nhanh, cơ bản sẽ kết nối Bắc - Nam trong nhiệm kỳ này.
Lĩnh vực hàng không, dấu ấn nổi bật là triển khai được dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đã được Đảng, Chính phủ chỉ đạo triển khai, Bộ GTVT đang gấp rút chuẩn bị các phương án để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Tất cả điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước với lĩnh vực GTVT.
Khẳng định hạ tầng giao thông là "bệ đỡ" để kinh tế "cất cánh", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định, từ chủ trương đúng đắn của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Nhờ đó, đất nước đã có được một hệ thống hạ tầng phát triển như ngày ngày nay.
"Trong gần 3 nhiệm kỳ qua, chúng ta làm được hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi trước năm 2011 chỉ có vỏn vẹn gần 100km. Chỉ riêng con số này cũng đã cho thấy kết quả đáng khích lệ thế nào. Chính sự phát triển về hạ tầng giao thông đã dẫn tới những phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội", ông Hòa nói và cho rằng, với sự phát triển nhanh của hệ thống đường cao tốc, nâng cấp đường sắt và hàng không, hàng hải, chi phí logistics trong nước ngày một giảm xuống.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh khó khăn, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn luôn được ưu tiên. Nhờ đó, hàng loạt tuyến cao tốc, nhà ga hàng không, những cây cầu lớn, cảng biển được khánh thành và đưa vào khai thác.
"Chúng ta đã thấy rất rõ, "đường mở đến đâu làm giàu đến đó". Thành quả này có được là nhờ định hướng đúng đắn, tầm nhìn rất xa của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Thịnh nói.
Sự khích lệ để ngành GTVT lớn mạnh
PGS. TS Trần Chủng cho biết, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những khó khăn trong thực tiễn triển khai dự án giao thông lớn đã nhận được sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Quốc hội. Cách thức triển khai không ngừng được cải tiến, cải tạo.
Chiến lược đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông của Đảng đã kích hoạt sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương, địa phương, các cơ quan quản lý đến doanh nghiệp xây lắp. Định hướng đột phá ấy đã hình thành một đội ngũ xây dựng ngành giao thông trưởng thành về năng lực thực hiện, chuyên môn sâu, chuyên nghiệp hóa.
"Hiện GTVT đang là một trong những ngành có lực lượng từ khảo sát, thiết kế, thi công tiệm cận với công nghệ thi công hiện đại bậc nhất thế giới. Sự lớn mạnh của ngành nói chung, doanh nghiệp giao thông nói riêng là do có sự hiện diện, khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Chủng cho hay.
Ông Chủng nhớ lại, năm 2016, hầm đường bộ Đèo Cả - công trình hầm đường bộ đầu tiên do doanh nghiệp giao thông Việt thực hiện đã vinh dự được đón Tổng Bí thư đến thăm. Chuyến đi ấy của Tổng Bí thư không chỉ khích lệ tinh thần hăng say thi đua lao động mà còn thắp lên những khát vọng lớn, trí tuệ và sự quyết tâm của những người làm giao thông.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành chia sẻ, chưa bao giờ ngành GTVT được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao đảm đương một khối lượng lớn và doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông có nhiều cơ hội, dư địa phát triển như hiện nay.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cơ chế đặc thù như: cấp mỏ vật liệu xây dựng trực tiếp cho nhà thầu thi công cao tốc; Cơ chế chỉ định thầu… Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện đã phát huy hiệu quả.
Riêng vấn đề mỏ vật liệu, một trong những yếu tố tiên quyết đối với tiến độ dự án giao thông, nếu làm theo thủ tục thông thường theo quy định, thời gian ra mỏ tối thiểu cũng phải mất 2 năm. Song, nhờ cơ chế đặc thù, thời gian được rút ngắn chỉ còn 6 tháng, giúp các dự án có điều kiện bứt tốc, hoàn thành chỉ trong khoảng 2 năm xây dựng.
Cũng nhờ chủ trương của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, công tác GPMB phục vụ thi công dự án giao thông đã nhận được sự sát cánh của cả hệ thống chính trị, từ Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… đã "xắn tay" cùng ngành GTVT, các chủ đầu tư, nhà thầu vận động người dân sớm bàn giao đất cho dự án.
Hay với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đây là dự án đã được nghiên cứu từ hàng thập kỷ về trước nhưng việc triển khai là điều ít ai dám nghĩ tới.
Thế nhưng, với đường lối cụ thể, sự chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự quyết tâm lớn của Chính phủ, dự án đã tiếp tục được mang ra bàn. Trong tương lai không xa nữa, rất gần thôi, chủ trương đó sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt và khởi công trước năm 2030.
"Là một doanh nghiệp trong khối các doanh nghiệp giao thông, chúng tôi vô cùng biết ơn sự soi đường, chỉ lối của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội", ông Khôi nói và nhấn mạnh: Từ những quyết sách lớn, doanh nghiệp đã có được nhiều công ăn việc làm, có điều kiện gia tăng giá trị sản xuất, có cơ hội góp mặt cống hiến trí tuệ, sức lực tại các đại công trường có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội rất lớn và có tiềm lực để nâng cao đời sống người lao động, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, vững bước cùng công cuộc đột phá hạ tầng giao thông đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận