Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương không kìm được xúc động.
Ông Hà khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong cách cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Tổng Bí thư luôn nhẹ nhàng nhưng khúc chiết, tường minh
Là người vinh dự nhiều năm làm việc, tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ấn tượng của ông về phong cách làm việc của Tổng Bí thư thế nào, thưa ông?
Tôi có nhiều năm làm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở Ban Tổ chức Trung ương và đặc biệt là có một nhiệm kỳ tham gia trong Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Lúc đó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Vì thế tôi nhiều lần được tiếp xúc với ông.
Có lúc ông gọi tôi sang làm việc, có khi tôi sang báo cáo, rồi có lúc dự cuộc họp do ông chủ trì.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi họp với anh em, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn nhắc nhở "nói đi đôi với làm" để không xấu hổ với những lời mình nói. Phải tập trung hết sức vào công việc, đã nói là phải làm, thực hiện đúng như lời dạy của Bác Hồ.
Những lần họp với anh em trong Tổ giúp việc, ông luôn lắng nghe tường tận nội dung anh em báo cáo, đưa ra những chỉ đạo sát sườn.
Những lời nói của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất nhẹ nhàng nhưng đầy khúc chiết, tường minh, sâu sắc, đi vào tâm can của mỗi người, từ đó truyền niềm tin và cảm hứng cho đồng nghiệp.
Với ông, trong rất nhiều điều ấn tượng, có điều gì đặc biệt khiến ông nhớ mãi về Tổng Bí thư?
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tham gia Ban chấp hành Trung ương 7 khóa, Bộ Chính trị 6 khóa, là đại biểu Quốc hội 5 khóa, tham gia lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước 4 khóa và có 3 khóa làm Tổng Bí thư.
Sau khi đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước (vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước).
Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên rất đáng nhớ. Đó là khi Bác Hồ còn sống, đêm Giao thừa năm 1969, người dân Việt Nam được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ.
Sau khi Bác mất, suốt 50 năm người dân không được nghe thơ chúc Tết của Chủ tịch nước, chỉ được nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước.
Nhưng đêm Giao thừa Tết Canh Tý 2020, người dân Việt Nam được nghe thơ chúc Tết của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mà ông nói rằng "học theo thơ Bác Hồ, tôi lại xin nôm na có mấy vần":
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay cả nước chắc càng thắng to
Hòa bình, hạnh phúc, ấm no
Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!
Điều này rất đáng ghi nhớ không chỉ với cá nhân tôi mà còn của toàn dân Việt Nam.
Vị tướng chống giặc "nội xâm", quyết tâm thay đổi từ công tác cán bộ
Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân nhớ đến một nhà lãnh đạo liêm khiết, nhưng dường như ít người hiểu gốc rễ vì sao Tổng Bí thư quyết tâm chống tham nhũng tiêu cực tới cùng?
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta được đẩy lên tầm cao mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong gần 3 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, ông để lại khối lượng đồ sộ về thể chế.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới thời đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư đã ban hành rất nhiều quy định, quy chế, quy trình… về công tác cán bộ.
Đây chính là cơ sở, căn cứ, định hướng để chúng ta thực hiện công tác cán bộ tốt hơn.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản hơn 40 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các cuốn sách này đã góp phần làm rõ tư duy lý luận và thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay, các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn, nhân dân hạnh phúc.
Với quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng, cán bộ, đảng viên, nhân dân dường như đã suy tôn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "vị tướng" trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm".
Chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội
Thành công trong công tác phòng chống tham nhũng dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thưa ông?
Những kết quả của công tác xây dựng Đảng trong hơn 10 năm qua dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.
Từ đó đất nước có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín lớn trên trường quốc tế.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ góp phần xây dựng Đảng và chỉnh đốn hệ thống chính trị mà còn là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua công cuộc phòng chống tham nhũng, chúng ta phát hiện được kẽ hở của hệ thống pháp luật để "bịt lại", để cán bộ muốn tham nhũng không thể tham nhũng, xử lý nghiêm để không dám tham nhũng.
"5 không", "5 nhân" trong chống tham nhũng
Theo ông, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhớ nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là gì, thưa ông?
Theo tôi đó chính là "5 không": không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không kể người đó là ai, không có đặc quyền, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính sự quyết liệt của người đứng đầu Đảng mà "cuộc chiến" chống tham nhũng tiêu cực của chúng ta trong thời gian vừa qua đạt được nhiều thành công to lớn.
Nhân dân còn nhớ đến "5 nhân": nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân tình, nhân ái trong công tác phòng chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.
Cụ thể là gì? Đó là khi xem xét một sự việc, một con người phải hết sức thận trọng.
5 chữ "nhân" trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực đảm bảo sự ổn định lâu dài và đảm bảo để những ai đã và sẽ bị xử lý phải tâm phục, khẩu phục. Quan trọng nhất, đó là đảm bảo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân.
Một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhiều ý kiến cho rằng, điểm tương đồng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ông có bình luận gì về điều này?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông là tấm gương trong sáng, hình mẫu tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Về phong cách thì ai cũng thấy ông rất giản dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng làm việc, tận hiến đến hơi thở cuối cùng như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại lễ buổi lễ nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (năm 2023), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để nói thay cho lòng mình, lời hứa của mình: "Còn một giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!".
Những thành quả mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đảng, nhà nước, nhân dân đạt được có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn tiếp theo của đất nước, thưa ông?
Tôi cho rằng, dù đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi nhưng những gì ông đã làm, đang và sẽ được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta quyết tâm thực hiện, để viết tiếp trang sử với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, to đẹp hơn, như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với những di sản của Bác Hồ để lại cho dân tộc ta, những cuốn sách, phong cách, đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể kể đến một số cuốn sách nổi tiếng như: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc; Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc,…; gần đây nhất là cuốn sách Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bàn về những vấn đề lý luận rất rộng, nhưng cách trình bày lại rất dung dị, chắt lọc, tổng kết thực tiễn và lấy đời sống thực tiễn để chứng minh, thuyết phục.
Do vậy, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; trở thành cẩm nang cho cán bộ, đảng viên trong các ngành, lĩnh vực và tạo thành các đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận