Rúng động vụ bắt 4,3 tỷ USD nhôm Tàu "đội lốt" hàng Việt
Ông Cẩn cho biết, số nhôm trị giá 4,3 tỷ USD trên đang bị giữ ở cảng tại Vũng Tàu là của một tập đoàn lớn có công nghệ và dây chuyền nhưng lại nhập thanh nhôm về nấu chảy rồi cán lại thành nhôm để xuất khẩu sang Mỹ.
Đề nghị kết nối trực tiếp Hải quan – VCCI - Bộ Công thương ngay trong quý 4/2019
"EU đã yêu cầu Việt Nam xác minh nhóm hàng xe đạp. Vừa rồi Hải quan đã triển khai trên diện rộng, riêng mặt hàng xe đạp chúng tôi đã triển khai 100% các lô hàng xuất khẩu. Tại Bình Dương cũng đang bắt giữ và xử lý một lô hàng xe đạp.
Chúng tôi mong muốn báo chí các bộ ngành phối hợp chặt với cơ quan Hải quan đánh giá đúng quy định, có sự hợp tác, và mong muốn Bộ Công thương và VCCI trao đổi trực tiếp với Hải quan để cấp C/O.
Chúng tôi đã kết nối trực tiếp với các nước rồi, không có lý gì trong nước không nối được với nhau. Chúng tôi tha thiết đề nghị trong quý 4 này chúng ta thực hiện ngay".
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành
“Nhôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu thuế 15%, còn nhôm Trung Quốc phải chịu thuế 374%. Do vậy, các doanh nghiệp khu vực Vũng Tàu đã nhập khẩu ở thời điểm 2017-2018 với gần 3 tỷ USD. Lúc đó, chúng tôi cùng Bộ Công an, Bộ Công thương và VCCI phối hợp với đặc vụ an ninh nội địa Mỹ sang Việt Nam kiểm tra xác định và ngăn chặn nên toàn bộ số nhôm đó chưa xuất được”, ông Cẩn thông tin.
Theo báo cáo mới nhất của Hải quan Vũng Tàu, vẫn còn gần 1,8 triệu tấn nhôm nữa và lực lượng Hải quan Việt Nam - Mỹ đã trao đổi, dù doanh nghiệp dùng cả thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi thành phẩm để đưa vào lò nấu rồi cán ra thành nhôm thanh nhưng cũng đều không được chấp nhận do không đủ hàm lượng quy định xuất xứ để gắn C/O Việt Nam hưởng ưu đãi.
Gian lận xuất xứ xe đạp rất nhức nhối
Ngoài vụ gian lận xuất xứ với nhôm nói trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng thông tin về việc giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với xe đạp.
“Hiện nay chúng tôi đang giữ tại một số chi cục mặt hàng xe đạp. Có những doanh nghiệp đã xuất đi rồi, VCCI đã có chứng nhận C/O mẫu B và doanh nghiệp khai xuất xứ Việt Nam. Nhưng chúng tôi giữ hơn 10 container xe đạp, kiểm tra tại chỗ, kiểm tra hồ sơ thì gần như 100% là nguyên chiếc nhập khẩu từ nước ngoài sau đó lắp ráp thành xe đạp gắn mác Việt Nam để xuất khẩu”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói.
Cũng theo ông Cẩn, tại Hải Phòng còn hàng trăm container nhập khẩu từ nước ngoài về lắp ráp đơn giản thành hàng Việt Nam; Hay giả mạo hàng nước ngoài, sản xuất tại nước ngoài, kể cả có bảo hành, tem nhãn nhưng khi về cửa khẩu đã bị Hải quan ngăn chặn như giày thể thao, quần áo…
Người đứng đầu ngành Hải quan đề nghị, sau này, các cơ quan, nhất là VCCI, Bộ Công thương, Bộ KHCN, các đơn vị, các ngành quan tâm ủng hộ quan điểm để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định và đúng chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong nước cũng như lợi ích quốc gia.
C/O cho gỗ: VCCI cấp nhưng Hải quan sẽ “bác”
Ông Cẩn cũng tiết lộ, cơ quan Hải quan đã điều tra xong và sắp kết luận đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván ép sản xuất tại Việt Nam. VCCI chứng nhận C/O để doanh nghiệp xuất đi Mỹ và một số nước nhưng cơ quan Hải quan xác minh thì không thật. Ví dụ, cấu thành gỗ ván ép doanh nghiệp khai mua gỗ nông trường A, hộ B, có xác nhận của ông giám đốc nông trường và chính quyên địa phương khi nộp hồ sơ cho VCCI.
"Nhưng khi cơ quan Hải quan đi xác minh thì cá nhân đó nói không có gỗ vì không có rừng, chủ tịch xã cũng thừa nhận sai rồi vì đã xác nhận cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp gỗ đó chỉ có lán trại, không có rừng. Chúng tôi sẽ bác C/O đó. Trong quá trình thanh tra, điều tra, xác minh đề nghị các bộ đồng tình, hỗ trợ chúng tôi khi trao đổi thông tin”, ông Cẩn đề nghị.
Trao đổi về công tác kiểm tra, xác minh, điều tra các đối tượng doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa thời gian qua và ngay trong tháng 10 này, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho hay, không phải tới bây giờ ngành Hải quan mới thực hiện chống gian lận xuất xứ mà đã chủ động triển khai, ngăn chặn thành công nhiều vụ gian lận lớn có dấu hiệu giả mạo xuất xứ để hưởng thuế suất ưu đãi với hàng Việt Nam khi xuất khẩu.
Ông Cẩn cũng cho biết, lực lượng Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng, làm đồng loạt liên quan tới nhóm có xuất xứ giả mạo, vi phạm sở hữu trí tuệ và thường xuyên trao đổi các bộ ngành theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
“Các doanh nghiệp có ý định làm thì hãy dừng lại, không thể để chúng ta thành nước trung chuyển, tiếp tay cho gian lận, ảnh hưởng lợi ích quốc gia”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận