Hạ tầng

TP HCM: Vướng mặt bằng, nhiều dự án giao thông “đắp chiếu”

12/09/2020, 06:50

TP.HCM hiện có gần 80% dự án hạ tầng giao thông đang vướng mặt bằng, trong đó có những dự án nghìn tỷ cũng đang "đắp chiếu" sau khi khởi công.

img
Cầu Tăng Long, quận 9 được khởi công từ cuối năm 2017 và đang ngừng thi công do vướng mặt bằng

Dù các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ, song những vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB vẫn chưa được giải quyết triệt để và dự án vẫn ì ạch. Đâu là nguyên nhân?

Cầu nghìn tỉ khởi công rồi… để đó!

Những ngày qua người dân đi lại trên đường Đỗ Xuân Hợp gần cầu Nam Lý, quận 9 rất bức xúc vì tình trạng kẹt xe kéo dài vào giờ cao điểm. Từ ngày xây dựng cầu, rào chắn chiếm hết mặt đường, dự án thi công dang dở do vướng mặt bằng, người dân khổ sở mỗi khi qua khu vực này. Đáng nói là cây cầu này làm được một nửa rồi ngưng từ 3 năm nay.

Chị Nguyễn Thùy Linh, nhà gần cầu Nam Lý cho biết, hàng ngày đi làm về phải qua khu vực này rất khổ sở. Không chỉ kẹt xe, đoạn đường này còn bị ngập nước mỗi khi trời mưa hoặc thủy triều lên. “Cầu xây được một nửa rồi ngưng làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây”, chị Linh nói.

Ở quận 9 có ba cây cầu làm mãi không xong khiến người dân bức xúc là cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại. Tổng vốn đầu tư ba cầu gần 1.700 tỷ đồng. Những dự án trên đã khởi công 4 năm nay nhưng hiện tại các công trình này đã ngừng thi công cách đây 3 năm. Nhà thầu rời đi, công trường hoang vắng, bên trong cỏ mọc um tùm. Lý do: vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ngoài 3 cây cầu trên đang thi công rồi dừng còn có cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè. Dự án được phê duyệt từ năm 2001 đến nay nhưng vì vướng công tác đền bù mặt bằng, tái định cư nên công trình vẫn chưa hoàn thành. Không chỉ với các dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM phụ trách mà hầu hết các dự án khác trên địa bàn TP HCM cũng lâm vào cảnh tương tự.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM hiện đang quản lý hơn 200 dự án giao thông lớn nhỏ. Trong 75 dự án Ban đang triển khai thì có đến 28 dự án đang chờ mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án bị vướng mặt bằng.

Không ai chịu trách nhiệm?

img
Cầu Nam Lý, Q.9, TP HCM khởi công từ năm 2016 nhưng công trình đã ngưng thi công cách đây 3 năm

Theo đánh giá của Sở GTVT TP HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong công tác GPMB là những bất cập trong các quy định pháp luật liên quan.

Liên quan đến 3 công trình đang “đắp chiếu” tại quận 9, Ban Bồi thường GPMB Q.9 cho biết: Ở dự án cầu Nam Lý, Hội đồng bồi thường TP đã thông qua hệ số điều chỉnh giá đất của dự án. Tuy nhiên, hiện nay UBND TP chưa có văn bản chấp thuận địa điểm tái định cư của dự án.

Trong khi đó, dự án cầu Tăng Long cũng bị ảnh hưởng bởi 42 hộ dân, tuy đã duyệt đơn giá bồi thường nhưng cũng đang vướng về điều chỉnh ranh giới đất. Cụ thể, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang làm thủ tục để điều chỉnh ranh giới dự án cầu Tăng Long vì trùng với ranh giới của dự án mở rộng đường Lò Lu và Lã Xuân Oai. Hiện, quận chưa nhận được văn bản chấp thuận địa điểm tái định cư của dự án.

Trong khi đó, ông Trần Tuấn Khanh, Phó trưởng Ban GPMB quận 2 cho biết, tình trạng dự án bị chậm do mặt bằng có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, người dân không đồng ý giá bồi thường thấp, do lúc mua bán nhà đã giao dịch giá đất thấp để… né thuế. Đến khi bồi thường, trên thực tế người dân không có giấy tờ để chứng minh. Do vậy việc định giá gặp nhiều khó khăn.

Ông Khanh cho rằng, công tác GPMB vướng ở khâu nào thì khâu đó phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, địa phương đã trình đơn giá bồi thường lên Sở Tài nguyên - Môi trường nhưng Sở này chưa giải quyết, dẫn đến dự án có thể kéo dài cả năm. Thế nhưng, cuối cùng việc GPMB bị chậm lại đẩy trách nhiệm qua các quận, huyện. Do vậy, công tác phối hợp chặt chẽ, quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị phụ trách rất quan trọng, lúc đó mới góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cần thay đổi chính sách định giá đất

TS. Phạm Thái Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, giảng viên trường Đại học Việt Đức cho rằng, nếu muốn giải quyết triệt để nút thắt GPMB, cần thay đổi chính sách định giá đất, đảm bảo quyền lợi của người dân. Việc định giá GPMB có thể giao quyền cho địa phương tự quyết định, tuy nhiên có sự theo dõi và giám sát.

Để dự án không chậm tiến độ, theo ông, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch phát triển giao thông nói riêng là giai đoạn đầu chuẩn bị dự án phải thật kỹ. Càng làm kỹ lúc đầu thì giai đoạn sau càng nhanh. Nếu dự án làm nhanh bước đầu đến khi triển khai sẽ không sát với quy hoạch thực tế, về sau mới điều chỉnh nên sẽ mất nhiều thời gian, đội vốn đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.