Phối cảnh đường Vành đai 3 đoạn trên cao. Ảnh: TCIP
Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (UBND TP Thủ Đức) vừa cho biết, địa phương đã bàn giao 90% mặt bằng dự án Vành đai 3 cho chủ đầu tư.
Dự kiến, từ nay đến 30/12, Thủ Đức sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ phần còn lại.
"Khó khăn của TP Thủ Đức là có số lượng đất thu hồi đất lớn, gần 600 hồ sơ với khoảng 100ha. Dự án Vành đai 3 đi qua các tuyến đường lớn của địa phương, nên nhiều người dân không đồng thuận giá và so sánh với các địa phương khác là khó tránh khỏi", ông Dũng lý giải tiến độ bồi thường chậm của địa phương.
Mặt khác, ông Dũng cho biết đặc thù đường Vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức có 2/3 số lượng hồ sơ là nhà ở, đất ở. Việc thu thập pháp lý, xác minh, xác nhận nguồn gốc mất nhiều thời gian hơn so với hồ sơ đất nông nghiệp.
Phần lớn, các hộ chuyển nhượng bằng giấy tay, tự chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp sau thời điểm quy định. Do đó, người dân cũng không đồng ý bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến khó khăn khi vận động.
Về cơ sở áp giá, ông Dũng cho biết TP Thủ Đức đã thực hiện đủ trình tự, thuê tư vấn thẩm định giá để tính tiền cho các hộ dân và công trình trên đất. Việc áp giá hiện nay tương đối sát với giá thị trường.
Để bàn giao mặt bằng như kế hoạch đề ra, địa phương đã lập 6 tổ công tác trên 4 phường, do do Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức làm tổ trưởng. Các tổ cùng nhiều ngành tập trung vận động, đến từng phường để giải quyết, tránh để người dân đi lại mất thời gian.
"Chúng tôi cũng phân loại hồ sơ, trường hợp nào đồng thuận thì chi trả ngay, khó khăn vượt thẩm quyền thì xin ý kiến TP.HCM để tháo gỡ", ông Võ Trí Dũng cho biết.
Theo số liệu của TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn hai huyện Hóc Môn đã đạt 100%, Củ Chi đạt 98%, Bình Chánh 96%. Riêng TP Thủ Đức đã đạt 90%.
Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dài hơn 47km, có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng. Chi phí xây dựng dự án hơn 22.400 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng là hơn 11.700 tỷ đồng (sau khi cập nhật lại).
Trong đó, đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài gần 15km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh dài tổng cộng 32km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc.
Chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3 diễn ra hồi tháng 6/2022. Dự án có tổng chiều dài 76,34km với phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Dự kiến, đường Vành đai 3 TP.HCM cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm TP.HCM, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận