Hạ tầng

TP.HCM: Cầu bộ hành nơi cần chẳng có, nơi có không cần

29/09/2020, 10:02

Đáng nói, trong khi những nơi cần thì không có còn những nơi có cầu bộ hành thì người dân thờ ơ, thậm chí bị bỏ hoang, nhếch nhác...

img
Cầu bộ hành không người sử dụng trên đường Võ Văn Kiệt

TP.HCM hiện có 27 cầu vượt bộ hành được xây dựng để hạn chế ùn tắc và TNGT. Tuy nhiên, chỉ một số cầu được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, số còn lại rất ít người sử dụng hoặc gần như bỏ không, lãng phí. Trong khi đó, nhiều nơi nhu cầu sử dụng cao nhưng lại chưa được xây dựng cầu vượt.

Thót tim mỗi lần qua đường

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên đường Điện Biên Phủ (P.25, Q.Bình Thạnh, gần cầu vượt Hàng Xanh) dù không có biển báo, vạch kẻ sơn cho người đi bộ nhưng rất nhiều người liều mình băng qua đường. Đây là đoạn đường có 8 làn xe trước khi lên cầu Sài Gòn, các phương tiện luôn chạy với tốc độ cao.

Cũng trên tuyến đường này, nguy hiểm hơn phải kể đến khu vực gần 3 trường đại học như: Đại học Hồng Bàng, Tài chính -Kế toán, Hutech cơ sở 2. Mỗi ngày có hàng trăm sinh viên băng qua đường bất kể các phương tiện giao thông đi lại như mắc cửi.

Khi được hỏi vì sao vẫn băng qua đường giữa dòng xe cộ nườm nượp, em Phạm Thu Hòa, sinh viên trường Đại học Hutech cho hay: “Ngày nào em cũng đi học bằng xe buýt, điểm dừng ở bên kia đường nên để cho nhanh đành phải đi bộ băng ngang đường. Mỗi lần như vậy cũng run lắm, phải đợi nhiều bạn cùng đi cho an toàn. Chúng em thắc mắc là nơi đây có hàng trăm người đi bộ mỗi sáng mà sao cơ quan chức năng không cho xây cầu bộ hành”.

Đáng nói, trong khi những nơi cần thì không có còn những nơi có cầu bộ hành thì người dân thờ ơ, thậm chí bị bỏ hoang, nhếch nhác, biến thành nơi trú ngụ cho nhiều đối tượng vô gia cư.

Đơn cử như cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng. Các cầu này đều được thiết kế đẹp, có mái che, trồng hoa bao quanh nhưng hầu như không có người sử dụng. Riêng cầu bộ hành trước Bệnh viện Bình Dân (Q.3), Bệnh viện Ung Bướu (Q.Bình Thạnh) được cho là rất tiện lợi nhưng cũng có rất ít người sử dụng. Nhiều người chọn cách băng qua đường cho nhanh, bất chấp nguy hiểm rình rập.

“Dốc cầu bộ hành cao quá, leo lên mỏi chân mà không khéo lại dẫm phải kim tiêm ở trên cầu. Tôi chờ xe bớt đông rồi đi bộ băng qua đường cho nhanh”, chị Nguyễn Thu Hương, người vừa băng qua đường ngay dưới cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hà Ngọc Trường, chuyên gia Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM cho rằng, việc xây dựng các cầu vượt bộ hành tại thành phố đang trong tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Khi xây dựng, quan trọng là phải xác định vị trí phù hợp, đúng nhu cầu của người dân và cũng phải đánh giá phục vụ cho đối tượng nào thì mới đạt hiệu quả.

Thực tế, một số cầu được lắp đặt quá sớm so với nhu cầu của người dân như cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng. Trong tương lai, những cầu này có thể đáp ứng theo quy hoạch nhưng cũng có thể trở thành lãng phí, không đạt như mục tiêu đề ra. Để tránh lãng phí, thành phố cần có khảo sát kỹ lưỡng về quy hoạch trước khi xây dựng.

Bố trí vốn để xây thêm cầu

img
Trước cổng trường Đại học Hutech nhu cầu sử dụng rất lớn nhưng lại chưa có cầu bộ hành

Lý giải nguyên nhân chưa có cầu bộ hành ở những nơi quan trọng, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho biết, thời gian qua, người dân phản ánh, kiến nghị rất nhiều về việc xây cầu bộ hành trên đường Điện Biên Phủ (trước cổng trường Đại học Hutech, Hồng Bàng), trên đường Trường Chinh (trước nhà thờ Lạc Quang)... Những vị trí này thành phố đã bố trí vốn để xây cầu, tuy nhiên do vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể thực hiện được.

“Ngoài ra, một số hộ dân khu vực quanh vị trí xây dựng cầu chưa đồng ý do lo ngại ảnh hưởng đến kinh doanh. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động để có mặt bằng xây dựng thêm các cầu vượt bộ hành tại những nơi có nhu cầu cao”, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM thông tin.

Cũng theo trung tâm này, những vị trí có cầu bộ hành nhưng chưa phát huy tốt công năng, ít người sử dụng như cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt hay đường Phạm Văn Đồng là do mật độ dân cư thưa thớt.

Khi xây dựng các tuyến đường này, thành phố có xét đến yếu tố quy hoạch và tầm nhìn trong tương lai sẽ hình thành các khu dân cư đúng như quy hoạch, đảm bảo TTATGT. Việc có cầu bộ hành mà người dân vẫn băng ngang đường một phần do ý thức, thói quen tiện đâu đi đó. Đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, cảnh báo nguy cơ TNGT để mọi người ý thức, tự giác hơn trong việc sử dụng cầu bộ hành.

Xử lý nghiêm người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP HCM cho biết, đơn vị kiến nghị các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường các giải pháp như tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với những trường hợp đi bộ không đúng nơi quy định. Ngoài ra các địa phương cần quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh trên cầu, trang bị thêm thùng rác không để người dân xả rác bừa bãi, mất mỹ quan đô thị làm nhiều người không dám lên cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.