Sáng 19/12, Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế Phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề được Chính phủ đặt nhiều quan tâm từ một thập kỷ trước. Đặc biệt theo các kịch bản xây dựng, khu vực Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
"Việc các nhà khoa học đưa ra các đánh giá tác động trong từng ngành của từng lĩnh vực sản xuất riêng biệt, như giao thông vận tải là một bước tiến mạnh mẽ. Các nhà khoa học tại TP đã có những bước chuyển mình bắt kịp xu thế", ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, hội thảo cũng đã đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện về chống biến đổi khí hậu. "Chống biến đổi khí hậu không chỉ là ngăn nước các công trình giao thông, ngăn nước ảnh hưởng đến đời sống mà còn đi cả đến những khâu rất căn cơ như việc dùng công nghệ, vật liệu gì để chống biến đổi khí hậu đến công trình giao thông, đời sống người dân", TS Nguyễn Đức Kiên nói.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận, với ngành giao thông việc nghiên cứu để thích ứng với biến đổi khí hậu rất quan trọng.
"Chúng ta đang cố hạn chế mức độ của biến đổi khí hậu bằng giải pháp giao thông xanh, giao thông giảm thải carbon", ông Bằng nói.
Bên cạnh đó, ông Bằng cho biết, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giao thông đường thủy và đường sắt, Việt Nam đã có bước nghiên cứu, chuẩn bị giải pháp ứng biến với biến đổi khí hậu.
"Cụ thể là mức độ ảnh hưởng của nước biển dâng đối với các công trình giao thông hoặc là đối với các giải pháp công trình chung thì thành phố cũng đang triển khai các cống kiểm soát triều", ông Bằng phân tích và cho biết, đây cũng là một trong những giải pháp vừa kiểm soát triều, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu, ông Võ Đại Tú, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT cho biết, đơn vị đã tiên phong áp dụng công nghệ mới giúp cắt giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu. Ví dụ là công nghệ bê tông nhựa tái chế nóng.
"Bản chất bê tông nhựa mặt đường sau thời gian dài khai thác sẽ bị hư hỏng. Hiện đa số các đơn vị sẽ cào lớp bê tông lên, bỏ đi hoặc chôn lấp. Như vậy, sẽ lãng phí nguồn tài nguyên và không bền vững. Chúng tôi sẽ sử dụng lại tài nguyên đó để tái chế lại làm nhựa nóng. Việc tái chế sẽ giúp cắt giảm khí thải khi chôn lấp dưới đất", ông Tú nói.
Ông Võ Đại Tú cho biết, công nghệ thứ hai được công ty đang đẩy mạnh áp dụng là sử dụng rác thải nilon tái chế thành phụ gia chống lún cho bê tông nhựa.
"Theo tính toán của chúng tôi, lượng khí thải phát ra khi áp dụng các công nghệ này được cắt giảm 20-30% so với không sử dụng", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
TS Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ở COP28 diễn ra cách đây 3 tuần, Thủ tướng cũng kiên quyết nhắc lại cam kết này và khẳng định sẽ nỗ lực thực hiện.
TS Nguyễn Đức Kiên nhận định, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Song, Việt Nam là một trong những đất nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Dự báo đã chỉ ra đến năm 2030, nước biển dâng 0,5m, một phần diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị mất đi, TP.HCM cũng có nhiều quận, huyện chịu tác động bởi ngập, sụt lún.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận