Xã hội

TP.HCM được thử nghiệm máy bay không người lái từ 24/11

14/11/2024, 11:51

HĐND TP.HCM thông qua việc thử nghiệm phương tiện bay không người lái (drone) với tốc độ bay tối đa 100km/h và xe tự hành với tốc độ tối đa 20km/h từ ngày 24/11.

Sáng 14/11, tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết quy định tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM được thử nghiệm máy bay không người lái từ 24/11- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại kỳ họp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Nghị quyết này hướng đến việc tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, hiệu quả của giải pháp công nghệ. Đồng thời, các vấn đề pháp lý cho các giải pháp công nghệ mới sẽ được giải quyết, hạn chế rủi ro trong việc thử nghiệm.

Nghị quyết sẽ áp dụng cho các giải pháp công nghệ liên quan đến phương tiện bay không người lái, xe tự hành.

Về phương tiện bay không người lái, TP.HCM đưa ra các tiêu chí cơ bản và thông số kỹ thuật như: Sải cánh, thân dài tối đa 1,57m; chiều cao tối đa 71,5cm; trọng lượng cất cánh tối đa 70kg; tốc độ bay tối đa 100km/h; độ cao bay tối đa không quá 200m. Phạm vi bay được quy định chỉ trong khu vực thử nghiệm.

Đối với xe tự hành, HĐND TP.HCM thông qua việc thử nghiệm với tốc độ tối đa 20km/h, điều khiển từ xa của phương tiện cần hiển thị các thông tin hành trình như chế độ, thời gian, điện áp pin, vệ tinh, tốc độ di chuyển.

TP.HCM được thử nghiệm máy bay không người lái từ 24/11- Ảnh 2.

TP.HCM sẽ thử nghiệm xe tự hành, phương tiện bay không người lái tốc độ 20 - 100km/h. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Phương tiện bay không người lái và xe tự hành được quy định thử nghiệm trong khung 7h - 17h hằng ngày.

Trước khi thông qua nghị quyết này, các đại biểu HĐND TP.HCM đã sôi nổi thảo luận, đặt ra nhiều vấn đề việc nguồn chi hỗ trợ thử nghiệm và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện được áp dụng chính sách.

Trong đó, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, nghị quyết không nên quy định quá chi tiết thông số kỹ thuật vì sẽ khó để triển khai, áp dụng.

"Nếu doanh nghiệp muốn tăng độ dài sải cánh để phù hợp với công nghệ sẽ khó khăn, phải sửa nghị định", ông Vũ ví dụ.

Ngoài ra, về thời gian thử nghiệm, nếu chỉ cho phép thử nghiệm từ 7h đến 17h, các phương tiện có tính năng bay đêm sẽ thử nghiệm như thế nào cũng là một băn khoăn của đại biểu.

Trả lời điều này, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, các điều kiện về mặt kỹ thuật được đưa ra dựa trên sự tham khảo của các phương tiện bay không người lái, xe tự hành trên thế giới, lấy ý kiến nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực. Do đó, các thông số được đưa ra phù hợp với thí điểm và kiểm soát được rủi ro.

TP.HCM được thử nghiệm máy bay không người lái từ 24/11- Ảnh 3.

Các đại biểu thông qua việc thử nghiệm phương tiện bay không người lái và xe tự hành. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cũng trong phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, việc thí điểm có kiểm soát là nội dung địa phương nhìn ra vấn đề và xin cơ chế, chính sách đặc thù. Quá trình này, địa phương đã trao đổi, xin ý kiến các cơ quan Trung ương để đi tiên phong trong vấn đề thí điểm có kiểm soát.

Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng, trên tinh thần lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng, động lực cho đổi mới tăng trưởng, TP cần đầu tư, chấp nhận rủi ro.

Về ý kiến của một số đại biểu HĐND thành phố, ông Mãi cho biết, UBND thành phố sẽ tính toán các thông số kỹ thuật cụ thể trong nghị quyết. Điều này nhằm phù hợp với xu thế thay đổi liên tục của khoa học công nghệ.

Kết thúc thảo luận, giải trình rõ các vấn đề, các đại biểu HĐND TP đã thống nhất thông qua nghị quyết trên. Các chính sách mới liên quan đến thử nghiệm có kiểm soát tại TP.HCM sẽ có hiệu lực từ ngày 24/11.

Trong đó, vị trí thử nghiệm phương tiện bay không người lái là Khu Công nghệ cao, đối với xe tự hành là Khu Công nghệ cao và Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Vị trí thử nghiệm phải có hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ.

Việc tổ chức tham gia thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện về nguồn lực kỹ thuật, nhân lực, tài chính nhằm bảo đảm việc thử nghiệm và kiểm soát quá trình, môi trường thử nghiệm. Giải pháp công nghệ mới liên quan đến phương tiện bay không người lái và xe tự hành được lựa chọn để hỗ trợ thử nghiệm phải có tính khả thi, có khả năng triển khai và áp dụng thực tiễn, đảm bảo hiệu quả kinh tế và kỹ thuật.

Phương tiện bay không người lái và xe tự hành cần có tính ứng dụng trong lĩnh vực an ninh, trật tự; cứu nạn, cứu hộ; phòng cháy, chữa cháy; logistic, vận tải hành khách; nông nghiệp công nghệ cao; môi trường; nghệ thuật.

Các tổ chức tham gia thử nghiệm có kiểm soát được sử dụng mặt bằng, cơ sở hạ tầng phù hợp tại các khu vực đã quy định. Đồng thời, việc thử nghiệm được miễn các giấy phép thuộc thẩm quyền TPHCM, được đăng ký bảo hộ với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.

Ngân sách thành phố và các nguồn chi hợp pháp khác sẽ đầu tư cơ sở vật chất gồm hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ.

TP.HCM sẽ chi khoảng 5,76 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới.

Trong đó, 4,8 tỷ đồng được sử dụng để thực hiện các hạng mục phục vụ thử nghiệm tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, kinh phí còn lại được chi cho việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá kết quả thử nghiệm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.

Phó chủ tịch Quốc hội: Nghiên cứu sử dụng tàu bay không người láiPhó chủ tịch Quốc hội: Nghiên cứu sử dụng tàu bay không người lái

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu sử dụng tàu bay không người lái để phát triển giao thông hàng không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.