Quản lý

TP.HCM không đánh đổi mọi giá làm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

19/10/2023, 15:09

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại vị trí rất nhạy cảm về môi trường. TP.HCM xác định quan điểm: nếu làm, phải mang lại hiệu quả lớn nhất và hậu quả ít nhất.

TP.HCM không "đánh đổi mọi giá" làm cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 1.

Việc nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế cho cả nước. Tuy nhiên, thành phố lựa chọn phát triển bền vững và "không đánh đổi bằng mọi giá".

Sáng 19/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về kinh tế, quy hoạch.

Tại hội nghị, các chuyên gia có chung nhìn nhận: Việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là thời cơ cần nắm bắt ngay. 

Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển, thành phố phải giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích môi trường và xung đột kinh tế nếu triển khai. 

"TP.HCM không đánh đổi mọi giá"

Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ quan điểm, việc nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế cho cả nước. Tuy nhiên, thành phố lựa chọn phát triển bền vững và "không đánh đổi bằng mọi giá".

Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: TP.HCM ý thức được việc Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại vị trí rất nhạy cảm về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường và quan hệ vùng. Thành phố đã cân nhắc, nghiên cứu rất kỹ lưỡng và có dự thảo đề án trình Chính phủ, Thủ tướng.

Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định: Địa phương luôn lựa chọn sự phát triển bền vững. 

"Thành phố sẽ không đánh đổi mọi giá để phát triển các dự án mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và các vấn đề về môi trường", ông Mãi nhấn mạnh. 

TP.HCM không "đánh đổi mọi giá" làm cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị lấy ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia về đề án cảng quốc tế Cần Giờ. Ảnh: T.L

"Chúng ta chọn phát triển dự án sẽ có sự đánh đổi, nhưng cần làm sao để sự đánh đổi đó mang lại hiệu quả lớn nhất và hậu quả ít nhất", ông Mãi nói. 

Phân tích rõ hơn quan điểm này, ông Phan Văn Mãi cho biết, địa phương không chỉ xem xét việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở góc độ hiệu quả đầu tư tài chính, mà nhìn rộng hơn trong bối cảnh chung của thành phố, của vùng, của đất nước. Mặt khác, thành phố cũng không chỉ nhìn ở góc độ bảo vệ môi trường mà bỏ qua các cơ hội phát triển.

Chủ tịch TP.HCM nhìn nhận, việc thực hiện dự án này sẽ có tác động đến thiên nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự đánh đổi ấy có xứng đáng và có đạt được lợi ích lớn nhất, hậu quả nhỏ nhất hay không.

Thời cơ của quốc gia

Chia sẻ tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho biết, cảng Cần Giờ mới đang ở giai đoạn xin chủ trương, bổ sung quy hoạch, chặng đường tiếp theo để hình thành dự án còn rất dài. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất quan trọng để tránh các vấn đề khác sau này.

"Khi mới nghe về dự án, quan điểm của tôi là không đụng đến khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, khi tiếp cận dự án từ trên không và đường thủy, tôi ủng hộ", ông Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Ông cho rằng, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần tiếp cận theo hướng nâng tầm các cụm cảng lớn trong khu vực. 

TP.HCM không "đánh đổi mọi giá" làm cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 3.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được xây tại cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép - Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Đồ họa: Portcoast

"Cần làm sao để cả cụm cảng phát triển hài hòa, đóng góp cho sự phát triển cả quốc gia chứ không riêng TP.HCM. Dự án đã có đầy đủ pháp lý, vấn đề là xem xét kỹ để không phạm sai lầm. Nếu phát triển dự án mà gây xung đột lợi ích giữa các bên thì là lỗi của công tác quản lý phát triển", ông Trần Du Lịch nêu.

Cuối cùng, TS Trần Du Lịch dẫn lại, Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM nêu rõ, cảng Cần Giờ thuộc nhóm đầu tư chiến lược, thành phố cần thu hút nhà đầu tư đúng quy định.

"TP.HCM không nên đánh mất cơ hội này vì nếu mất sẽ không tìm lại được", ông Lịch nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu, việc đầu tư phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là thời cơ vàng của quốc gia.

TP.HCM không "đánh đổi mọi giá" làm cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thư Trần

"Đây là cơ hội lịch sử của đất nước nên các đơn vị liên quan cần thể hiện quyết tâm lớn. chúng ta đừng thong thả nữa mà cần chớp thời cơ mang tính lịch sử thời đại. Nếu chúng ta chậm một nhiệm kỳ thì thế giới đã đi đến đâu", ông nói.

PGS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần hình thành một cụm cảng tại khu vực cùng cảng Cái Mép - Thị Vải. Nếu cụm cảng được dẫn dắt bởi các hãng tàu lớn nhất thế giới, những thành công lớn trên bình diện quốc gia sẽ được hình thành.

Đề xuất rõ tiến độ dự án

Sau khi nghe góp ý của hơn 10 chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao cách làm của TP.HCM trong việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, sau quá trình khá dài nghiên cứu.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định đề án xây dựng cảng quốc tế Cần Giờ có đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở triển khai.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, quá trình thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch quốc gia, Bộ GTVT đã tính tới và đưa cảng Cần Giờ vào khu vực tiềm năng để hoạch định. Trong mạng lưới cảng biển và tuyến vận tải biển, việc đặt hệ thống cảng này trong hệ thống cảng miền Nam và quốc tế rất quan trọng.

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn cần nêu rõ hơn nữa về tác động môi trường khi xây dựng cảng. 

"Trong tập đề án chỉ có tầm chục trang nêu đến tác động môi trường. Cần nghiên cứu sâu hơn nữa để có cơ sở tư vấn bảo vệ môi trường, xem xét thông qua môi trường chiến lược trong quy hoạch", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh và lưu ý đây là nội dung rất quan trọng.

TP.HCM không "đánh đổi mọi giá" làm cảng quốc tế Cần Giờ - Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kết luận tại hội nghị lấy ý kiến về đề án xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ngày 19/10. Ảnh: Thư Trần

Thứ trưởng Sang nhận định: Định hướng của nghiên cứu mang tính đột phá. Do đó, yếu tố thời cơ rất quan trọng, tạo ra cơ hội, bước nhảy vọt về tăng trưởng cho cả vùng. Quan hệ cảng Cần Giờ với các cảng khác là quan hệ tương hỗ, tác động tích cực đến nhau. Vì vậy, Thứ trưởng Sang đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ càng. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội để TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cảng biển và Cần Giờ là điều kiện chính. Thủ tướng giao TP.HCM chủ trì đề tài này, sau khi được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ cập nhật trình Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng đề nghị đơn vị Tư vấn Portcoast phối hợp với thành phố đề xuất rõ tiến độ đề án, tiến độ cập nhật quy hoạch. 

"Ngay từ bây giờ, phải tính ngay tiến độ trình tự thủ tục đầu tư, đây là chủ trương đột phá, chúng ta phải có cách đối xử khác. Thời gian không nhiều, phải nghiên cứu xử lý trình tự thủ tục đầu tư ngay", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói. 

Thứ trưởng Sang cũng đề nghị sau khi tư vấn hoàn thiện đề án, tập thể tư vấn và Bộ GTVT ngồi lại với nhau, đóng góp chi tiết cho đề án. Chúng ta phải sớm lấy ý kiến hoàn thiện sớm trình Thủ tướng phê duyệt.

"Tôi kỳ vọng trong 3 tháng cuối năm phải hoàn tất toàn bộ nghiên cứu. Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phê duyệt vùng nước cảng biển TP.HCM làm cơ sở đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đặt mốc thời gian. 


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.