Năm dự án gồm: Mở rộng quốc lộ 1, 13, 22, trục Bắc - Nam; xây cầu - đường Bình Tiên với tổng kinh phí hơn 37.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu, triển khai trong giai đoạn 2023-2028.
Nội dung được đại biểu HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 19/9.
Trong đó, có 4 dự án sẽ được triển khai theo hợp đồng BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao) với phương án doanh nghiệp tham gia 46-50% vốn, phần còn lại ngân sách đầu tư. Riêng dự án xây cầu đường Bình Tiên sẽ được bố trí ngân sách với tỷ lệ 54%, phần còn lại là vốn doanh nghiệp.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) tại TP Thủ Đức dài 5,9km, rộng 53-60m, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân dài 9,6km, rộng 52-60m, tổng mức đầu tư 12.876 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3), trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn dài 9,1km, rộng 60m, tổng mức đầu tư 7.173 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành tại quận 7 và huyện Nhà Bè dài 8km, rộng 60m, tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh, tại quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh dài 3,2km, rộng 30-40m, tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, các dự án này được Sở chọn lựa ưu tiên đầu tư theo các tiêu chí ưu tiên về vai trò, năng lực giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; tính khả thi về phương án tài chính của dự án; khả năng huy động vốn đầu tư...
Các dự án khi hoàn thành giúp cải thiện năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông khu vực, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.
Cùng ngày, HĐND TP.HCM đồng ý chi hơn 9.300 tỷ đồng làm 3,5km đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp); thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến 2027.
Dự án này được chia thành 2 dự án thành phần gồm: Xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng. TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch được duyệt (phần tuyến 67m và toàn bộ nút giao Bình Thái). Đồng thời xây đường song hành đáp ứng 6 làn xe hai bên với 34m, xây dựng 2 nhánh cầu Đường Xuồng trên đường song hành rộng 12,8m.
Ngoài ra, TP.HCM xây các nút giao với đường Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú, nút giao Bình Thái, nâng cấp, cải tạo mặt đường phạm vi đường Đặng Văn Bi, đường Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận