Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và tổ thư ký Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Hội đồng tư vấn do TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia làm Chủ tịch; TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP làm Phó chủ tịch.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thư ký Bí thư Thành uỷ TP.HCM làm thành viên. Ngoài ra, Hội đồng Tư vấn còn có 22 thành viên khác là các chuyên gia của các Viện, trường, cơ quan, đơn vị.
Tổ Thư ký của Hội đồng Tư vấn có ba người, do ông Triệu Thành Sơn, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển TP làm tổ trưởng.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: Độc Lập
Theo quyết định, Hội đồng tư vấn và Tổ thư ký có vai trò tổ chức họp, hội thảo khoa học để than mưu cho lãnh đạo TP những nội dung ưu tiên, quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 98. Bên cạnh đó, Hội đồng đề ra các giải pháp, đề án và những vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định tại nghị quyết này.
Thành viên hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho UBND TP, Chủ tịch UBND TP ban hành các kế hoạch trong từng thời kỳ; đồng thời đưa các biện pháp chỉ đạo điều hành để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98; tư vấn nội dung chương trình giám sát định kỳ hàng quý; giám sát chuyên đề hoặc đột xuất khi được Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Viện Nghiên cứu phát triển TP là cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn; chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn.
Với 13 triệu dân, quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước và đóng góp hơn 23% GDP quốc gia, TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, hàng đầu của Việt Nam.
Thế nhưng, nhiều năm qua, “chiếc áo” cơ chế ngày càng chật khiến thành phố đầu tàu đi chậm lại. Để tạo thêm không gian cho TP.HCM bứt phá, linh hoạt phát triển, tăng tính tự chủ và trách nhiệm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù thay thế Nghị quyết 54 (năm 2017) hôm 24/6. Nghị quyết mới chính thức có hiệu lực từ 1/8.
Nghị quyết 98/2023/QH15 bao gồm: 44 cơ chế chính sách với 7 lĩnh vực. Trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội; 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP.HCM được áp dụng.
Theo đó, các dự án phát triển hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ thu hút được lớn nguồn lực cho phát triển. Cụ thể, đó là việc khởi động lại các dự án theo cơ chế hợp tác công tư hợp đồng BT, BOT bị tắc nghẽn lâu nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận