Sáng 9/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đến giờ Tiền Giang chưa nhận được công văn đề nghị của UBND TP.HCM về hỗ trợ cát xây dựng đường Vành đai 3.
“Khi có văn bản chính thức của TP.HCM tỉnh sẽ họp các ngành liên quan xem xét cụ thể, lúc đó mới có quyết định chính thức hỗ trợ như thế nào” ông Vĩnh nói và cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tập trung xây dựng nhiều công trình xây dựng như: cầu Vàm Giồng, dự án đường tỉnh 864 và nhiều dự án khác cần một lượng lớn cát để thực hiện, Tiền Giang đang lập hồ sơ đấu thầu khai thác các mỏ cát trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho nhu cầu xây dựng các dự án tại địa phương này.
Cùng với đó, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho hay, hiện tỉnh chưa nhận được công văn của TP.HCM.
Lãnh đạo tỉnh Long An khảo sát dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An để chuẩn bị khởi công.
Dự án đường Vành đai 3 được TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương khẩn trương triển khai công tác GPMB để khởi công xây dựng.
Trước đó ngày 7/2, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã ký văn bản gửi UBND TP báo cáo về vấn đề đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ Vành đai 3. Theo đó, Sở TN&MT TP.HCM đã có cuộc họp với Sở TN&MT các tỉnh trong khu vực để rà soát số lượng, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng.
Tại cuộc họp, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết khối lượng vật liệu xây dựng để làm Vành đai 3 qua TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An rất lớn.
Cụ thể, đất đắp nền đường là hơn 1,678 triệu m3; cát đắp nền đường khoảng 7,233 triệu m3; cát xây dựng gần 1,5 triệu m3; đá xây dựng hơn 4,4 triệu m3.
Theo các đơn vị, đối với đất đắp nền, đá xây dựng các địa phương cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ thiếu 7,233 triệu m3 cát đắp nền.
Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết các mỏ cát xây dựng tại địa phương đều đã được cấp phép khai thác đồng thời phải ưu tiên cung cấp cho các tuyến cao tốc và công trình trọng điểm như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, tuyến nối QL91, tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến N1 Tân Châu - Châu Đốc.
Tuy tỉnh An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu đều có quy hoạch các mỏ cát vùng núi, nhưng các mỏ cát này không hiệu quả về kinh tế do diện tích và chi phí GPMB lớn, điều kiện vận chuyển khó khăn.
Đối với cát đắp nền, các mỏ khoáng sản trên địa bàn Tiền Giang, Vĩnh Long có khả năng đáp ứng khoảng 3,6 triệu m3 (50% nhu cầu), nếu muốn để khai thác cần được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh.
Đối với 50% cát đắp nền còn lại dự kiến sẽ lấy tại Đồng Tháp (20%), An Giang (30%), tuy nhiên hai địa phương trên từ chối cung cấp vì phải ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương.
Người dân đồng tình và mong muốn dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sớm khởi công xây dựng.
Trước tình thế đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản gửi UBND các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, BR-VT có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) phục vụ dự án Vành đai 3.
Đồng thời giao Ban Giao thông làm việc với Sở TN&MT các tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế tại các mỏ của địa phương, lập danh sách các mỏ khoáng sản đang khai thác có trữ lượng đáp ứng nhu cầu dự án và danh sách các mỏ dự phòng để báo cáo UBND thành phố.
Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM có chiều dài giai đoạn một hơn 76 km, tổng đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành năm 2026. Tuy vậy, theo các chuyên gia, nếu không giải quyết sớm bài toán nguồn vật liệu cát, dự án có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang ưu tiên bố trí 19 triệu m3 cát để thi công dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận