Nghị quyết đặc thù nên không phải sửa Luật PPP
TP.HCM đang lấy ý kiến các sở ngành để bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Góp ý với các chính sách, Sở GTVT TP.HCM có đề xuất về việc tiếp tục cơ chế áp dụng hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước. Bởi theo quy định của Luật PPP đã loại bỏ hình thức đầu tư BT (đầu tư - chuyển giao).
Cầu Sài Gòn 2 được đầu tư theo hình thức BT trả bằng tiền nên quá trình triển khai thi công rất nhanh để giải toả áp lực cho cầu cũ.
Lý giải vì sao khi Luật đầu tư PPP đã loại hình thức đầu tư BT nhưng thành phố lại kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai hình thức này? Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc kiến nghị này là về các cơ chế đặc thù riêng cho TP.HCM, không áp dụng rộng rãi cho các địa phương khác.
Hình thức hợp đồng BT cũng chỉ kiến nghị áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư, không áp dụng hình thức đổi đất, bởi hiện nay đang sửa đổi Luật đất đai.
Vị này cũng dẫn chứng, trước đây thành phố cũng được thí điểm để triển khai đầu tư theo hình thức BT thanh toán bằng tiền cho nhiều dự án giao thông như cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Sài Gòn 2…rất hiệu quả. Sau đó hình thức này được áp dụng rộng rãi trong cả nước.
“Đây là Nghị quyết đặc thù chỉ dành riêng cho TP.HCM, vì vậy nếu Quốc hội thông qua thì chỉ áp dụng cho riêng thành phố, không phải sửa Luật đầu tư hay Luật PPP”, vị này nói.
Cần thiết khôi phục lại BOT, BT cho TP.HCM
Vị này lý giải, trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất hạn chế. Theo quy định của Luật đầu tư công, thành phố muốn triển khai một dự án đầu tư công thì phải được Quốc hội thông qua, Chính phủ phân bổ nguồn vốn trung hạn.
Nhưng trong tổng số nguồn vốn 142.000 tỷ đồng thành phố được giao để đầu tư hạ tầng cho giai đoạn trung hạn đến 2025 đã được phân bổ để thực hiện các công trình chuyển tiếp, không có vốn cho các dự án mới.
Nếu triển khai theo hình thức BT, doanh nghiệp sẽ đứng ra huy động vốn xã hội, sau đó thành phố sẽ cân đối vốn ngân sách để trả chậm cho nhà đầu tư. Có thể trả qua 2 hoặc thậm chí 3 kỳ trung hạn. Lúc đó, dự án đã xong và phát huy hiệu quả về phát triển kinh tế xã hội.
Ủng hộ chủ trương này, ông Hà Ngọc Trường - Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP.HCM cho rằng cần có các chính sách để thành phố huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến nút giao Bình Phước thường xuyên quá tải nhưng thành phố không có kinh phí để mở rộng. Tuyến đường này cũng đã được nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT nhưng sau đó phải tạm ngưng. Trong khi đó Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương đã được mở rộng ra hơn 60m.
Bởi theo ông, ở phía Nam, rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư công trình hạ tầng giao thông theo hình thức BT, BOT, nhưng chính sách hiện nay không cho phép khiến nhiều dự án không triển khai được. Thậm chí có những dự án đang triển khai phải dừng lại.
“Trong nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM, nguốn vốn dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng 20%. Vì vậy tôi kiến nghị cần khôi phục là hình thức đầu tư cả BOT và BT cho TP.HCM để đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông”, ông Trường nhấn mạnh.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết thêm, hiện thành phố cũng đang triển khai nhiều hình thức để huy động vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, như: thu phí hạ tầng cảng biển, đấu giá từ quỹ đất (TOD), nhưng thời gian triển khai mất từ 2 - 3 năm mới có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong khi đó nếu triển khai theo hình thức BOT, BT sẽ được nhà đầu tư lập dự án và triển khai ngay khi có chủ trương, dự án.
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM đã triển khai nhiều dự án BT giao thông nhưng đã bị tạm dừng như đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức); đường song hành cao tốc từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 (TP Thủ Đức). Thành phố cũng lên kế hoạch triển khai các dự án khác theo hình thức BT nhưng phải tạm dừng như cầu đường Bình Tiên (nối quận 6 - quận 8), cầu Nguyễn Khoái (nối quận 5 - quận 4), Quốc lộ 13.
Khi Trung ương chủ trương dừng dự án BT năm 2018, TP HCM cho ngưng các công trình dạng này để rà soát, bao gồm dự án cầu, đường Bình Tiên. Hai năm sau, loại hợp đồng trên chính thức bị loại khỏi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, TP HCM đang tìm vốn đầu tư khác phù hợp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận