Hạ tầng

TP.HCM mỏi mòn chờ xây 4 cây cầu sắt đã xuống cấp

31/08/2021, 15:05

4 cây cầu này đều nhỏ hẹp đang dần xuống cấp, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa đường bộ lẫn đường thủy.

Tuyến đường Lê Văn Lương, từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) đến giáp ranh huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) có 4 cây cầu sắt gồm cầu Rạch Đĩa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi.

Hiện 4 cây cầu này đã xuống cấp, người dân huyện Nhà Bè (TP.HCM) mong mỏi cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây các cây cầu mới kiên cố để đảm bảo an toàn khi lưu thông.

imgDự án cầu Long Kiểng mới đã khởi công từ 20 năm trước nhưng hiện mới chỉ xong phần kết cấu từ trụ T1 đến T8. Ảnh: Đỗ Loan

Cầu Long Kiểng chờ đợi 20 năm...

Theo ghi nhận của PV, trong 4 cây cầu trên có cầu tuổi thọ từ 50 - 60 năm, tải trọng khai thác chỉ từ 1-5 tấn. Chẳng hạn như cầu Rạch Đĩa rộng khoảng 3,3m với trọng tải dưới 5 tấn, liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Ngoài ra, độ tĩnh không thông thuyền của các cây cầu không bảo đảm và đang xuống cấp từng ngày. Những thanh thép và hành lang lưới cầu đã gỉ sét, mặt nền cầu nhiều đoạn đã gãy, trụ cầu và bệ đỡ bê tông không còn chắc chắn.

Trước tình trạng trên, TP cũng có chủ trương xây mới 4 cây cầu nhưng hiện nay dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Cụ thể 2 dự án xây mới cầu Rạch Đĩa và Long Kiểng đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự án xây cầu Rạch Đĩa (nối quận 7 với huyện Nhà Bè) mới có phần cầu chính dài 329m, rộng 10,5m, đường dẫn hai đầu cầu dài 196 m, cầu đạt tải trọng 30 tấn. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng. Huyện Nhà Bè đang tiến hành các bước thẩm định và khảo sát lại đơn giá để trình duyệt.

Còn dự án cầu Long Kiểng (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng. Gần 20 năm từ ngày phê duyệt dự án, đến nay nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8. Tuy nhiên, do chưa đủ mặt bằng nên từ tháng 12/2019, nhà thầu tạm ngưng thi công, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành 18 tháng nếu có đủ mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Tính, người dân sống gần cầu Long Kiểng 30 năm nay bức xúc: “Người dân chờ đợi xây cầu hơn 20 năm nay mà đến giờ vẫn chưa thấy gì. Cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, bên hông thành cầu, nhiều ốc vít đã bị rỉ sét nên mỗi khi có xe chạy qua cầu phát ra tiếng ầm ầm rất gợn tai”.

Hai dự án còn lại là cầu Rạch Dơi và cầu Rạch Tôm cũng đang được các sở ngành xem xét về hướng tuyến và chủ trương đầu tư. Cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM với xã Long Hậu, huyện Long Hòa, tỉnh Long An) dài 418m, rộng 15m, có khoang thông thuyền rộng 50m, cao 6m nhằm bảo đảm cho các loại tàu thuyền lớn lưu thông.

Phát triển đường bộ, đường thủy kết nối giao thông liên vùng

img

Cầu sắt Long Kiểng hiện tại đã xuống cấp trầm trọng

Nói về cầu Long Kiểng chờ đợi 20 năm nay, UBND huyện Nhà Bè cho biết, chậm trễ là do vướng mặt bằng ở khâu tái định cư, huyện đang chủ động thực hiện chỉ đạo của TP để sớm ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từng hộ dân. Để sớm đưa dự án về đích, UBND huyện Nhà Bè mong được sự phối hợp, đồng thuận của các hộ dân để phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 12/2021 cho chủ đầu tư.

Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, huyện Nhà Bè thuộc phía Nam TP.HCM với đặc thù kênh rạch nhiều, do đó việc để phát triển giao thông cầu, đường rất quan trọng. Đồng thời, huyện còn nhiều cây cầu sắt bắc qua sông, kênh rạch đã xuống cấp không đáp ứng nổi tải trọng khai thác. 4 cây cầu trên cũng là con đường độc đạo để người dân xã Nhơn Đức, Phước Kiển và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) di chuyển lên trung tâm TP.HCM, do đó tất yếu phải nhanh chóng triển khai xây mới nhằm đáp ứng lưu thông liên vùng.

“Việc nâng cấp hệ thống cầu không chỉ giúp hỗ trợ phát triển giao thông đường bộ mà còn giúp phát triển kinh tế đường thủy. Riêng cầu Rạch Đĩa sẽ giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy nối kết cụm cảng Hiệp Phước với những tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, vị đại diện này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.