Công trường không một bóng người
Trở lại công trường thi công dự án 2,7km đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Võ Trần Chí (huyện Bình Chánh) những ngày đầu tháng 6, những gì PV chứng kiến là cảnh “vườn không nhà trống”.
Công trường không một bóng người, rải rác trên một số đoạn đường đã được san lấp nay để bò gặm cỏ. Các kết cấu cầu, cống đã rong rêu, úa màu theo thời gian. Đoạn nút giao Võ Văn Kiệt - QL1 trước đây có khối lượng thi công nhiều nhất cũng chỉ mới hoàn thành được 1 nhánh cầu vượt đi xuống QL1 nhưng chưa có đường dẫn khiến nhánh cầu này cụt lủn. Nút giao Tân Kiên, nơi giao với đường Võ Trần Chí cũng chỉ có một vài trụ cột được thi công, 3 năm nay không hề động tĩnh xây dựng thêm gì.
Theo hợp đồng giữa Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nhà đầu tư) với TP HCM, dự án có tổng vốn đầu tư 1.557 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT, thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2017. Tuy nhiên, kể từ khi lãnh đạo DN này vướng vào vòng lao lý, dự án đi vào ngõ cụt. UBND TP HCM vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào về số phận của dự án.
Một dự án khác cũng với chiều dài 2,7km là đoạn Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa qua quận Thủ Đức đầu tư theo hình thức BT đã khởi công từ tháng 4/2017 cũng có số phận tương tự. Dự án do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện, tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 1.135 tỷ đồng, còn lại là tiền GPMB cũng do nhà đầu tư ứng trước.
Hiện tại, dự án chỉ mới thực hiện công tác phát quang mặt bằng, thi công một số cầu cống, đường đất. Công trình hiện tại đang “đứng hình”, không thể chốt được ngày hoàn thành.
Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái cho biết, theo hợp đồng dự án sẽ hoàn thành sau 24 tháng kể từ ngày bàn giao hết mặt bằng. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn vướng mặt bằng kiểu “xôi đỗ”, nhà đầu tư viện lý do này nên không chốt được thời gian hoàn thành.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của Báo Giao thông, bản chất vụ việc lại hoàn toàn khác. Theo hợp đồng BT mà nhà đầu tư ký với UBND TP HCM, khi thực hiện dự án, nhà đầu tư được hoán đổi 5 khu đất ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên đến nay thành phố vẫn chưa có quyết định giao đất cho nhà đầu tư.
Trong cuộc họp đầu năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BT. Đồng thời giao các sở ngành rà soát lại các khu đất đã có chủ trương thanh toán cho hợp đồng BT để tham mưu UBND TP xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Hiện dự án đã dừng gần 1 năm nay, công trường vắng lặng, chưa biết ngày nào thi công trở lại.
Chuyển sang đầu tư công cũng chậm
Ngoài 2 dự án nói trên, nhiều dự án khác như: Cầu đường Bình Tiên; BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội; BOT cầu đường Bình Triệu 2… cũng trong tình cảnh tương tự, bế tắc nhiều năm qua. Để gỡ khó, thành phố đã có chủ trương chuyển nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công.
Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2 - phần 2) sau 15 năm bế tắc, mới đây thành phố có chủ trương chuyển sang đầu tư công với tên gọi “Mở rộng đường Ung Văn Khiêm và Xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ”; Tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng với chiều dài 1,7km. Theo đó, đường Ung Văn Khiêm hiện nay rộng 7m sẽ được mở ra 30m. Cải tạo nút giao Đài Liệt sĩ có hầm chui trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ Hàng Xanh ra QL13. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa đàm phán được với nhà đầu tư để chấm dứt dự án BOT cầu Bình Triệu 2 trước đây. Vì vậy dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao Đài Liệt sĩ chỉ mới triển khai trên giấy, ở bước đề xuất đầu tư.
Đoạn tuyến từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến Xa lộ Hà Nội và nút giao thông Bình Thái là đoạn quan trọng thuộc tuyến Vành đai 2. Toàn tuyến có chiều dài 64km, nhưng hiện còn 3 đoạn chưa khép kín. Mấy năm trước, thành phố cũng đã chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, sau khi gặp nhiều khó khăn, mới đây thành phố cũng đã có chủ trương chuyển sang đầu tư công song hiện dự án cũng chỉ mới trong giai đoạn tiền khả thi, chưa được HĐND thành phố thông qua.
Dự án nút giao Mỹ Thủy trên tuyến Vành đai 2 có kinh phí xây dựng đầy đủ nhưng cũng 4 năm nay thi công chưa hoàn chỉnh. Nguyên nhân được viện dẫn là công tác GPMB. Điều này khiến nút giao Mỹ Thủy luôn là điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất thành phố hiện nay bởi nằm ở cửa ngõ của cảng Cát Lái. Thời gian thực hiện dự án kéo dài, vốn chi cho GPMB tăng gấp đôi, theo tính toán từ trên 504 tỷ đồng lên trên 1.000 tỷ đồng.
Tại buổi giám sát các dự án giao thông trọng điểm cuối tháng 5, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM tỏ ra không hài lòng với những công trình chậm tiến độ. “Có rất nhiều dự án không vướng mắc gì nhưng vẫn rào chắn để đó, không thấy thi công. Khắp thành phố, chỗ nào cũng khởi công dự án, chỗ nào cũng che chắn lô cốt. Càng chậm thì người dân càng khổ”, bà Lệ bức xúc đồng thời yêu cầu Sở KH&ĐT phối hợp các ban ngành, rà soát và đẩy nhanh thủ tục pháp lý để các dự án sớm hoàn thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận