Cuộc sống của nhiều hộ dân nơi “rốn lũ” ngày ấy rất khó khăn, đến độ nhiều đàn ông bỏ xứ, phụ nữ ế ẩm khó tìm chồng...
Nhưng ngày nay, những câu chuyện đó chỉ còn là ký ức.
Một góc khu tái định cư Làng Ngang
Bình an vùng “hạ sơn”
Chiều cuối năm, PV Báo Giao thông theo con đường bê tông phẳng lỳ chạy xuyên các triền đồi, những cánh rừng xanh mướt hai bên đường để về khu tái định cư Làng Ngang ở xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). Dưới tán lá cây nhà xanh mát, khói rơm, rạ của những căn bếp nhỏ tỏa lên ấm áp, bình yên.
Chị Chíu Tài Múi, năm nay 30 tuổi, đang dọn đống thóc ở vệ đường kể, 10 năm trước, nhà chị ở tít tận núi cao quanh năm mây phủ, đi lại khó khăn.
Mùa mưa lũ, mọi người trong nhà kể cả khi đang ngủ cũng sẵn sàng nghe tiếng động lạ là vùng dậy trèo lên núi tránh lũ.
“Lũ lụt quanh năm đổ về, tàn phá ruộng vườn, nhà cửa, cuốn trâu bò, lợn gà... chết hết. Nghèo đói, chả được học hành, chả đi đến đâu được. Trai làng vượt núi xuống xuôi tìm cách thoát nghèo, còn con gái không học hành gì thì đến tuổi trưởng thành thường ế chồng. Em cũng có mấy anh ở dưới bản lên tìm hiểu, nhưng thấy gia cảnh em khốn khó, họ chỉ đến một lần rồi là không thấy quay trở lại. Nhiều lúc em tự nhủ, có lẽ chẳng bao giờ mình lấy được chồng”, chị Múi bẽn lẽn kể.
Rồi khu tái định cư Làng Ngang được xây dựng, gia đình chị Múi được chuyển ra đây.
Nghề sơ chế lâm sản đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà Vân và nhiều lao động ở khu tái định cư Làng Ngang
“Hạ sơn” được vài tháng thì Múi đã có người hỏi cưới. Giờ vợ chồng Múi đã có 2 con, có nhà kiên cố để ở, không còn đêm đêm nơm nớp lo chạy lũ.
“Mừng nhất là có trường học cạnh nhà, các con đều biết chữ, chứ không như chúng em cứ treo mình trên núi cao, nheo nhóc cả ngày trên đồi, dưới suối, lớn lên cũng không biết mặt chữ”, chị Múi bẽn lẽn cho hay.
Câu chuyện “con gái ế chồng” cũng từng là nỗi lo lắng của bà Đinh Thị V. sống ở cuối thôn Làng Ngang.
Bà V. kể, vợ chồng bà đẻ đến 10 người con. Nhà nghèo, đông con, mưa lũ thường xuyên vây bủa, chồng bà Vân mò mẫm sang tận Trung Quốc làm thuê với mong ước có thêm thu nhập.
Nhưng ác thay, khi chồng bà V. trở về tiền đâu không thấy lại mắc trong người bệnh xã hội rồi lây sang cả cho vợ.
Cuộc mưu sinh của cả gia đình từ đó lại càng khốn khó hơn do sức khỏe của ông bà giảm sút nhiều sau khi mắc bệnh.
“Cảnh nghèo đói, không kế sinh nhai khiến đàn ông ở đây cứ bươn bả đi kiếm ăn tứ xứ, ở nhà phụ nữ nhiều hơn đàn ông, cũng dễ hiểu vì sao nhiều cô gái trong làng lớn lên khó lấy chồng. Nhà tôi lúc đó còn mang bệnh xã hội, khiến con cái càng gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời”, bà V. nhớ lại.
Về khu tái định cư, được cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà, con cái lần lượt tìm được việc làm, dựng vợ gả chồng xong cho con... giờ bà V. đang sống những ngày tháng an bình, mãn nguyện tuổi già.
Vừa thoăn thoắt dùng dao tách hạt quả hồi, bà V. vừa hào hứng kể: “Lúc mới xuống núi, nhiều người cũng tâm tư vì lo không có đất canh tác lại xa mồ mả người thân. Nhưng gia đình tôi nghe cán bộ bảo là đi luôn, vì chỉ mong có cơ hội thay đổi, đổi đời cho con cái. Ở đây chúng tôi có nghề sơ chế hồi, quế với thu nhập bình quân trên 200 nghìn đồng/người/ngày. Xuống đây giao thông thuận lợi, nên hàng tháng, vợ, chồng tôi đều có điều kiện đi lấy thuốc điều trị, sức khỏe tốt hơn hẳn…”.
Bạt đồi, mở đường đưa dân ra vùng đất mới
Từ chăn nuôi kết hợp với làm rừng thuê, gia đình ông Sênh đã trở nên khá giả
Anh Phạm Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND xã Quảng An, huyện Đầm Hà nhớ lại, khoảng năm 2010, qua rà soát, đánh giá, với quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của gần 100 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở trên địa bàn xã Quảng An, tỉnh Quảng Ninh và huyện Đầm Hà đã quyết định triển khai xây dựng khu vực tái định cư tại Làng Ngang để di dân ra sinh sống.
Xã đang nghiên cứu cấp thêm cho bà con khu tái định cư Làng Ngang ruộng đất để canh tác giúp họ thực sự an cư tại nơi ở mới. Cùng với đó, xã cũng đang hỗ trợ xây dựng Làng Ngang thành làng văn hóa trong tương lai gần.
Phó chủ tịch xã Quảng An Phạm Tiến Cường
Dự án được triển khai từ năm 2012 trên diện tích 5,7ha. Đến tháng 6/2014, đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, công trình điện, nước với tổng kinh phí trên 15,43 tỷ đồng được hoàn thành.
Từ đó, lần lượt các hộ dân được di dời từ vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh về nơi ở mới.
“Cái khó nhất đối với chính quyền là bà con vốn quen tại nơi ở cũ lại có mồ mả ông cha, nên khi vận động họ di chuyển không phải chuyện dễ. Nhưng rồi với chính sách phù hợp về đất ở, đất canh tác lại được ở nhà xây, an toàn, dần dần, bà con đã tin theo”, vị Phó chủ tịch UBND xã Quảng An khoe.
Đang chăn đàn gà giống bản địa béo tròn ở vườn rau, thấy lãnh đạo xã Quảng An dẫn khách đến nhà, ông Trề Mềnh Sênh, người dân tộc Sán Dìu nhà ở giữa thôn Làng Nganh vội vàng về pha nước mời khách rồi vồn vã chuyện trò.
Đưa tay chỉ về phía dãy núi xa tắp đang mờ dần bởi sương chiều, ông Trề kể: “Nhà tôi trước kia ở thôn Tán Trúc Tùng trong đó. Cả thôn chủ yếu là người Sán Dìu sinh sống từ đời cụ, đời kỵ rồi. Do đông con, nên cả nhà tôi phải sống tạm bợ trong căn nhà nhỏ gần mom đồi gần những khối đá khổng lồ. Hễ cứ vào mùa mưa là đất, đá từ trên cao ụp xuống vùi vào ruộng, vườn, nơi ở khiến cả nhà luôn sống trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Có nhiều đêm, trời đang mưa to, đất đá cựa ầm ầm đổ tràn cả vào giường, vào bếp, cả nhà tôi phải vội vàng chạy lánh nạn sang hàng xóm…”.
Ra khu tái định cư Làng Ngang, hộ ông Trề được chính quyền cấp cho 80m2 đất ở, hỗ trợ 35 triệu đồng để xây nhà. Gia đình ông Trề đã vay mượn thêm để làm căn nhà 2 tầng trên 100 triệu đồng.
Tận dụng phần đất quanh nhà, vợ chồng ông nuôi gà, nuôi lợn, lúc nông nhàn đi khai thác gỗ thuê.
“Làm ăn tốt, 2 năm trước, gia đình tôi đã trả hết nợ. Hiện trong nhà đã có đủ ti vi, xe máy… Nhiều lúc chúng tôi cứ ngỡ mình mơ ấy”, ông Trề vui vẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận