Hành khách bị hủy chuyến bay vì những tình huống bất khả kháng như đại dịch Covid-19 cần phải được bồi hoàn tiền dịch vụ đã thanh toán. Đó là quy định mà Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đang bắt buộc các hãng bay phải thực hiện, bất chấp khó khăn về tài chính.
Gánh nặng 35 tỷ USD
Theo thống kê từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), số tiền bồi thường mà các hãng hàng không trên toàn thế giới đã, đang và sẽ phải thanh toán cho hành khách vì không thể thực hiện chuyến bay do nhiều yếu tố từ dịch bệnh Covid-19 lên tới 35 tỷ USD.
Đây thực sự là con số quá lớn trong bối cảnh các hãng hàng không đã rất khó khăn tài chính, chỉ còn đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong trung bình 8 tháng nữa (báo cáo của công ty dịch vụ tài chính Raymond James). Để giảm thiểu rủi ro, hiện tại, rất nhiều hãng hàng không tại Mỹ hoặc khu vực châu Âu đang bồi thường cho hành khách bằng voucher hoặc một số cách bồi thường phi tiền mặt khác.
Nhưng với những hành khách đã chi tới cả nghìn USD để đặt vé máy bay thì việc được bồi hoàn lại tiền dịch vụ mà họ đã trả cũng rất cần thiết, nhất là khi họ cũng thiếu thốn tài chính vì phải nghỉ làm ở nhà do dịch bệnh.
Bắt buộc phải bồi hoàn tiền mặt cho khách
Trước những bức xúc của hành khách, một số cơ quan quản lý hàng không của nhiều nước/khu vực trên thế giới đã ra quyết định bắt buộc các hãng hàng không sở tại phải hoàn tiền vé cho hành khách nếu liên quan tới lý do dịch bệnh.
Theo Ủy viên về các vấn đề Người tiêu dùng châu Âu Didier Reynders, các cơ quan chức năng đang phối hợp cùng quốc gia thành viên EU để “đảm bảo khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận voucher” nhằm hỗ trợ các hãng bay trong lúc dịch bệnh. Có điều, các hãng phải chấp nhận mở rộng thời hạn voucher ít nhất 2 năm để hành khách có thể sử dụng. Bởi thực tế, nhiều hành khách khiếu nại, một số hãng trả cho hành khách voucher với thời hạn “phi thực tế” như vào mùa hè này bất chấp dịch bệnh vẫn đang hoành hành và hệ lụy có thể kéo dài tới vài tháng nữa và hành khách cũng khó có thể đi lại.
Tại Mỹ, Bộ Giao thông nước này ra thông cáo báo chí và thông tri nêu rõ: “Các hãng hàng không phải có trách nhiệm bồi hoàn bao gồm giá vé và mọi loại phí dịch vụ mà hành khách không được sử dụng”.
Yêu cầu này được áp dụng đối với cả các chuyến bay nội địa/nước ngoài đến hoặc xuất phát từ Mỹ. “Hành khách cũng được bảo vệ khi một hãng hàng không thay đổi lịch trình và hành khách không chấp nhận sự thay đổi mà hãng đưa ra”, Bộ Giao thông Mỹ nêu rõ.
Ở châu Âu, nơi có quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng được coi là cao nhất trên thế giới, Ủy ban Giao thông của Liên minh đưa ra thông báo tương tự khẳng định, luật EU bắt buộc các hãng phải bồi hoàn tiền mặt cho khách trong vòng 7 ngày nếu chuyến bay do hãng hủy. Nếu do hành khách hủy thì họ sẽ nhận được voucher.
Ủy viên Ủy ban Giao thông châu Âu Adina Valean nói: “Khi hành khách không nhận được dịch vụ đã thanh toán, họ cần được bồi thường. Đó là điều quy định rõ trong luật”.
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch như hiện nay, việc bồi thường số tiền lớn cho hàng loạt chuyến bay bị hủy sẽ khiến các hãng bay thêm cạn kiệt tài chính nên “Ủy ban châu Âu đang rốt ráo tìm kiếm một số biện pháp hỗ trợ các hãng bay đối phó với vấn đề thanh khoản nhưng chúng tôi cũng cần phải bảo vệ quyền lợi của hành khách”, bà Valean khẳng định.
Không đồng tình với quan điểm của lãnh đạo châu Âu, Hiệp hội Các hãng hàng không EU (Airlines 4 Europe) chỉ trích Ủy ban Giao thông châu Âu đánh giá chưa đúng mức độ ảnh hưởng từ khủng hoảng này với các hãng hàng không.
“Nó có thể gây ra những tác động về tài chính nghiêm trọng cho các hãng bay trong thời gian ngắn. Cơ quan Thực thi pháp luật và các nước thành viên châu Âu nên cân nhắc chấp nhận hệ thống voucher làm biện pháp thay thế cho hoàn trả tiền mặt ngay lập tức. Đây sẽ chỉ là biện pháp tạm thời trong trường hợp ngoại lệ”, đại diện Airlines 4 Europe cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận