Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9, diễn ra từ ngày 12 - 19/2.
![Trình chiếu video clip dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Quốc hội- Ảnh 1. Trình chiếu video clip dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Quốc hội- Ảnh 1.](https://baogiaothong.mediacdn.vn/603483875699699712/2025/2/11/screenshot-2025-02-11-at-192048-17392764586591587140575.png)
Ảnh minh hoạ.
Trong ngày khai mạc, sáng 12/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đại diện Ban Soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo dự kiến chương trình, ngay ngày thứ 2 của kỳ họp bất thường lần thứ 9 (ngày 13/2), Bộ trưởng Bộ GTVT, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Một video clip về dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được trình chiếu tại hội trường.
Cùng chiều 13/2, tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM cũng được Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày.
Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian chiều 15/2 để thảo luận ở hội trường hai nội dung liên quan tới các dự án đường sắt này. Sau đó, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trước đó, chiều 10/2, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết dự án có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.
Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng.
Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).
Chính phủ kiến nghị nguồn vốn cho dự án gồm ngân sách Nhà nước (trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80km/h.
Về công nghệ, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho tàu khách và tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu tương đương với hệ thống đang sử dụng tại một số tuyến đường sắt vận chuyển chung hành khách và hàng hóa trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về công trình ga, dự kiến bố trí 18 ga (bao gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp). Quá trình khai thác, khi nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu.
Về tiến độ, theo kiến nghị của Chính phủ, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030.
Theo dự kiến chương trình, cùng với Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết về chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận