Văn hóa - Giải Trí

TS Đặng Hoàng Giang: "Cái chết rất cụ thể, hiện hữu và gần gũi"

09/06/2018, 05:53

Không chuẩn bị tâm thế đón nhận cái chết thì sẽ gặp phải biến cố mang tính chấn thương rất cao, TS Giang nói.

DHG-1-cover

"Tôi nghĩ

đến lúc bản thân con người nên tìm hiểu, chiêm nghiệm về chủ đề cái chết,

thay vì chỉ tìm hiểu những chủ đề tạm gọi là thông thường khác trong xã hội"

3 cuốn sách gây tiếng vang của anh gần đây nghe nói nằm trong một dự án về cộng đồng được tài trợ, điều này có đúng không?

Bạn nghe ở đâu thông tin này vậy? Cả 3 cuốn sách là mối quan tâm cá nhân của tôi, không nằm trong bất kỳ một dự án được tài trợ nào. Tôi đã tự bỏ tiền cho tất cả chi phí để thực hiện mọi công việc.

Vậy xin được hỏi, “Bức xúc không làm ta vô can” và “Thiện ác smartphone” là 2 cuốn sách viết về xã hội. Tại sao đến “Điểm đến của cuộc đời”, anh lại chuyển sang một vấn đề cá nhân?

Cuốn sách thứ ba chính là thứ hiện nay tôi đặc biệt quan tâm. Bản thân tôi quan tâm đến cái chết. Tôi nghĩ đến lúc con người ta nên tìm hiểu, chiêm nghiệm về chủ đề này, thay vì chỉ tìm hiểu những chủ đề tạm gọi là thông thường khác trong xã hội như: giáo dục, giao thông, … dù chúng cũng quan trọng.

Không tìm hiểu về cái chết, có lẽ, đã thiếu vắng một vấn đề rất lớn. Do đó tôi quyết định đi đào sâu vào nó.

Điều gì khiến anh quan tâm đến cái chết?

Ở tuổi của tôi, cái chết không còn quá xa xôi nữa. Với những người trẻ, tầm  20-25 tuổi, có thể cái chết là một cái gì rất trừu tượng hơn. Đến độ tuổi của tôi, phải đối diện với cái chết của bố mẹ, bạn bè, những người xung quanh. Cái chết vì thế cũng rất cụ thể, hiện hữu và gần gũi. Tôi nghĩ cũng đến lúc mình phải chuẩn bị tâm thế để đón nhận nó khi cái chết xảy ra với người thân của mình, với chính bản thân mình.

Tôi nghĩ nếu không chuẩn bị tâm thế để đón nhận nó thì mình sẽ gặp phải những biến cố mang tính chấn thương rất cao.

DHG-2 152501-title2

Tức là anh sợ chấn thương tâm lý nên anh muốn chuẩn bị cho mình?

Đúng! Tôi muốn chuẩn bị tâm lý cho mình và cho những người xung quanh. Mặc dù, trong thời gian đó, tôi cũng như những người thân của tôi đều không gặp vấn đề trầm trọng về sức khoẻ. Điều tôi muốn nhắc đến đó là ai cũng sẽ phải chết, kể cả những người thân yêu hoặc quan trọng nhất với mình.

Bên cạnh đó, cái chết của chính bản thân tôi khiến tôi suy nghĩ lại. Bởi khi người ta nghĩ về cái chết của chính bản thân, người ta sẽ nghĩ đến việc sống tiếp như thế nào trong phần đời còn lại. Tôi biết, thời gian của tôi không còn nhiều. Còn bao nhiêu tôi không biết, nhưng tôi nghĩ tôi nên chuẩn bị về mặt tinh thần cho cái chết của mình.

Có một nhà văn từng nói “Ai cũng đều chuẩn bị cho mình một cái chết tươm tất nhất”, anh có đồng ý với quan điểm này?

Tôi nghĩ có nhiều người họ không chuẩn bị gì cả. Có nhiều người sống một cách vô thức, họ không nghĩ đến điều đó cho đến khi họ chết, vậy nên tôi không nghĩ câu đó đúng. 

DHG-3

 

Trong 3 cuốn sách Điểm đến của cuộc đời; Bức xúc không làm ta vô can; Thiện ác smartphone, cuốn nào tiêu tốn cảm xúc, năng lượng và thời gian của anh nhất?

Cuốn Điểm đến của cuộc đời là cuốn khó khăn nhất. 2 cuốn trước mang tính bình luận, phân tích những vấn đề trong cuộc sống thông qua quá trình tôi chiêm nghiệm, nghiên cứu sách báo.

Cuốn thứ 3 đòi hỏi tôi phải ra đường, phải đi vào bệnh viện, chứng kiến cuộc sống của những con người cận tử, đồng hành với những người bệnh trong vòng 1 năm cuối đời của họ. Điều đó tạo ảnh hưởng về áp lực tinh thần rất lớn. Giống như tôi phải đồng hành và chứng kiến người bạn của mình chết.

Ở đây không phải là một người bạn mà là nhiều người bạn. Hơn nữa, với bạn, mình có thể 1 tuần hoặc 1 tháng gặp nhau 1 lần. Còn với những nhân vật này gần như ngày nào tôi cũng trò chuyện với họ. Họ trải qua những điều gì tôi đều biết hết. Họ thiếu tiền ra sao? Họ đau đớn vì không có móoc-phin ra sao? Họ bị liệt toàn thân như thế nào? Tôi có ghi chép lại những cảm xúc trong cuốn sách này? Đó là một hành trình khá vất vả.

Tiếp xúc với những người sắp chết, có lúc nào anh cảm thấy cảm xúc, năng lượng bị kiệt quệ?

Khi đối diện với sự ra đi của những bệnh nhân, những y bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm nên họ vẫn giữ được sự bình thản. Bản thân tôi không được đào tạo như vậy nên dễ dàng bị tác động.

Tôi bị kéo theo những nỗi đau của họ, thấy bất lực và buồn vì không giúp được họ. Cuộc sống của tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện của họ. Tôi không còn sự vô tư như trước nữa mà trầm hơn, ít nói hơn, tránh những nơi ồn ào, những nơi có tiếng động to, ít lên mạng xã hội hơn, nhưng vẫn chưa đến mức trầm cảm. 

Anh có khóc, cười theo những người bạn - những nhân vật trong cuốn sách?

Không! Mặc dù có lúc tôi rất cảm động. Tôi cảm thấy đó là những giây phút quý giá. Nhưng tôi vẫn không khóc, tôi luôn trong tâm thế mình đang làm việc. Tôi ở bên cạnh họ nhưng vẫn phải lắng nghe, chăm chú, ghi chép, quan sát. Trạng thái đang làm việc đó giúp tôi có một khoảng cách nhất định, giống như một bác sĩ ở chiến trường vậy. 

Anh cảm thấy ra sao mỗi khi nghe tin nhân vật của mình ra đi?

Đó là những cảm xúc xáo trộn: vui, buồn, hụt hẫng, bất lực. Một lần nữa mình khẳng định con người thật nhỏ bé so với thiên nhiên, mình phải chấp nhận con đường đó sẽ đến với mình và người thân của mình. Mỗi khi nghe tin ai đó ra đi, lại là một tiếng chuông cảnh tỉnh bản thân.

DHG-4

 

Anh có cảm thấy trút được gánh nặng khi cuốn sách xuất bản?

Cuốn sách kết thúc giống như một vận động viên marathon vừa chạy được một chặng đường dài và đến đích. Sau khi hoàn thiện cuốn sách, tôi cảm thấy hài lòng vì đã kiên trì đi theo dự án đến phút cuối cùng. Cuốn sách phản ánh trách nhiệm của tôi với nhân vật. Sự nhẹ nhõm khi hoàn thiện cuốn sách không có nghĩa là mình gạt cái chết đi và không bao giờ nghĩ đến nó nữa. 

Ảnh hưởng của cuốn sách với cộng đồng có được như anh kỳ vọng?

Điểm đến của cuộc đời xuất bản đã được 4 tháng. Có người bệnh nói rằng cuốn sách đã giúp họ. Sau khi đọc xong họ thấy gần như cảm xúc của họ đã được mô tả lại nên cảm giác như có ai đó chia sẻ với mình.

Có  người khoẻ mạnh và chưa từng trải qua cảm giác mất mát cũng nói với tôi rằng nhờ cuốn sách mà họ thấy trân trọng cuộc đời hơn, thấy mình may mắn hơn và sống có ích hơn.

Có nhiều nghệ sĩ được truyền cảm hứng từ cuốn sách này. Họ đã làm những buổi trình diễn như múa, diễn kịch. Sắp tới ở Hà Nội cũng sẽ tái hiện lại một số câu chuyện trong cuốn sách với sự tham gia của những diễn viên nghiệp dư. Họ là những bệnh nhân ung thư, những người có người thân bị ung thư…

Tôi nghĩ, cuốn sách gần như có tác dụng xoa dịu và trị liệu cho họ.

Trong vòng 20 ngày, chúng tôi đã gây quỹ được 200 triệu đồng để thực hiện các đêm diễn tại Hà Nội, điều này chứng tỏ rất rõ sự quan tâm của cộng đồng. Trước đó, vở kịch đã được thực hiện ở TP.HCM và Đà Nẵng.

Thường đến bệnh viện, người ta tránh nói về cái chết. Vở kịch được thực hiện ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trước 500 khán giả, trong đó có khoảng hơn 300 người là bệnh nhân ung thư. Thậm chí có người vẫn phải đeo chai truyền dịch bên cạnh hay băng bó, ngồi xe lăn. Họ ngồi đó xem vở kịch nói về cái chết, trong khi họ đang rất cận kề cái chết. Họ có sự đồng cảm. Đó là những bằng chứng về ảnh hưởng tích cực của cuốn sách đối với cả người khỏe và người bệnh. 

DHG-5

 

Anh nhắc nhiều đến các niềm tin tôn giáo của các nhân vật của anh. Vậy anh có tin vào tôn giáo?

Trong cuốn sách, tôi không nói về tín ngưỡng của mình. Tôi chỉ nhắc đến những tín ngưỡng của các nhân vật. Họ tin vào thế giới bên kia, về thế giới Tây phương cực lạc. Tuy nhiên, tôi không phán xét tín ngưỡng của họ, tôi tôn trọng tín ngưỡng của họ. Bản thân tôi cũng không có cơ sở tin vào Tây phương cực lạc, sự luân hồi hay linh hồn…

Anh nghĩ như thế nào về “sự sinh” và “cái chết”?

Một đứa trẻ sinh ra đời là một việc thật kỳ diệu, bí hiểm, một cái gì nằm ngoài trạng thái thông thường. Nó bí hiểm như cái chết vậy. Còn cái chết đơn giản với tôi có tính vật lý. Khi tim ngừng đập, cơ thể mình sẽ bị huỷ hoại. Sinh và tử đối với tôi giống như một quá trình vật lý. Tuy nhiên, đằng sau đó có câu chuyện gì về linh hồn thì tôi chưa rõ. 

Cái chết giúp tôi nhận ra rằng thời gian sống của tôi hữu hạn. Tôi thấy trân trọng cuộc đời hơn, sống tập trung, có ý thức hơn. Nó nhắc nhở tôi rằng trong thời gian hữu hạn đó, mình phải làm gì để xứng đáng với bản thân mình, không lãng phí thời gian, không lang thang cuộc đời mình vào những chuyện phù phiếm.

TS Dang hoang giang

Chứng kiến mọi cái chết, coi nó như một sự tồn tại trong cuộc sống, thường rất khó bình tĩnh. Làm thế nào người ta chấp nhận cái chết như một sự hữu hình trong cuộc sống?

Sau khi đi qua cuốn sách, nó đã dễ hơn rất nhiều. Trước đó, tôi chỉ nghĩ ai không may mới bị thế còn mình và người thân của mình sẽ không chết. Tôi khó chấp nhận và cố gắng đẩy nó ra ngoài ý thức của mình. Sau đó, tôi thấy cái chết là một điều rất bình thường, xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

Vào bệnh viện, những đứa trẻ vài tháng tuổi, vài năm tuổi bị ung thư, qua đời rất nhiều. Cho nên tôi dễ dàng chấp nhận cái chết hơn. Tôi không còn kêu gào, thắc mắc và giận dữ nữa. Vì tôi biết điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi vẫn sẽ buồn, sẽ khủng hoảng nhưng tôi hiểu hơn và biết coi nó là một phần trong cuộc sống. Tôi biết nếu mình càng giãy giụa, càng tuyệt vọng thì mình càng khổ sở. Nếu mình biết chấp nhận để sống tiếp, còn không chấp nhận được thì sẽ không sống được.

Còn làm thế nào để người ta chấp nhận cái chết như một sự thật hữu hình trong cuộc sống? Hãy luôn nghĩ về cái chết nhiều nhất mình có thể, cả trong những lúc mình vui nhất. Nhưng không phải để rơi vào trạng thái bi thảm mà để trân quý những khoảnh khắc mình đang có.

ts Dang hoang giang DHG-6

  • Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
  • Ảnh: D.K.Linh
  • Trình bày: Ng.Dung

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.